Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam yêu cầu các bên tuân thủ luật quốc tế khi diễn tập trên Biển Đông

Huy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam bày tỏ mong muốn các bên liên quan trên Biển Đông sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ngày 11/4, tại buổi họp báo thường kì của Bộ Ngoại giao, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu quan điểm đối với hoạt động diễn tập của các nước trong khu vực trên Biển Đông thời gian gần đây.

Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

“Việt Nam đề nghị hoạt động của các bên, các nước liên quan cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982,” ông Việt phát biểu trước báo giới.

Theo đại diện của Bộ Ngoại giao, Biển Đông có vai trò quan trọng trong khu vực, do đó việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, và tự do hàng hải, hàng không trong khu vực cần phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ông Việt cho rằng đây là mục tiêu và trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia. Do đó, Việt Nam đề nghị các nước trong khu vực tích cực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu trên với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy định pháp lí về biển.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về việc Campuchia sẽ tiến hành dự án xây dựng kênh đào Funan Techo, đại diện Bộ Ngoại giao bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực sông Mekong.

“Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lí và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong, vì sự phát triển bền vững của khu vực, lợi ích của cộng đồng người dân, tương lai của thế hệ mai sau, và tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông,” Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt phát biểu.

Theo đó, Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào này, và mong rằng Campuchia sẽ phối hợp chật chẽ với các bên liên quan nhằm đánh giá tác động của công trình về tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đảm bảo hài hòa lợi ích các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.