Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá trên một diện tích lớn chiếm đến 2/3 Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền.

 Theo đó, 2 triệu km2 trên tổng số 3,5 triệu km2 diện tích biển Đông nằm trong phạm vi hiệu lực của quy định đơn phương này. Tàu vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000 Nhân dân tệ (tương đương 82.600 USD), trong một số trường hợp tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc. Quy định mới này của phía Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị.	 Ảnh: TTXVN
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị. Ảnh: TTXVN
Ngày 10/1, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực".
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã có văn bản phản đối những hành động sai trái, ngang ngược của phía Trung Quốc về việc phía Trung Quốc gây cản trở ngư dân và vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam; điều này vi phạm UNCLOS 1982, không phù hợp với tinh thần DOC, vi phạm Luật Biển Việt Nam và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Theo đó, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn hành động trên. Chủ tịch T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, việc Trung Quốc cản trở hoạt động sản xuất của ngư dân Việt Nam trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã tái diễn nhiều lần và từ rất lâu, trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, gây tâm lý lo lắng cho ngư dân khi đi khai thác trên biển.

Liên quan đến động thái gây tranh cãi trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 9/1 cho biết, "việc thông qua quy định giới hạn đánh bắt cá của các nước khác trên Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm". Bà Jen Psaki nhấn mạnh: "Trung Quốc không có giải thích nào cũng như đưa ra cơ sở luật pháp quốc tế đối với tuyên bố hàng hải trên phạm vi rộng lớn này… Các bên liên quan cần tránh bất cứ hành động đơn phương làm tăng căng thẳng và giảm triển vọng giải pháp ngoại giao, hòa bình".

Đánh giá về việc Trung Quốc ra lệnh cho tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò cá tại 2/3 diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, các nhà phân tích cho rằng, với thông báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên Hợp quốc và hành động này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ làm cho tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.