Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VietinBank dẫn đầu về lợi nhuận ngành ngân hàng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không những các chỉ số kinh doanh chính đều tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) sau 9 tháng năm 2016 còn đang ở mức thấp nhất toàn ngành.

9 tháng và những con số đẹp

Tính đến thời điểm này, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2016, nổi bật lên là VietinBank. Với kết quả kinh doanh ấn tượng, VietinBank vẫn tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về hiệu quả hoạt động trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Cụ thể, trong quý III, VietinBank có tổng thu nhập lãi thuần đạt 5.939 tỷ đồng, tăng 21%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 4 lần cùng kỳ lên 131 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác đạt lần lượt 40 tỷ đồng và 683 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng hơn 20% đạt 2.212 tỷ đồng; lãi ròng sau thuế đạt 1.779 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2016, VietinBank có được 17.203 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 18%; lợi nhuận trước thuế đạt 6.485 tỷ đồng, tương đương tăng 13%; lãi ròng đạt hơn 5.194 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015. Tính tới thời điểm 30/9/2016, tổng tài sản của VietinBank đạt 900.754 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm và tiếp tục xếp vị trí thứ hai về tổng tài sản ngân hàng (chỉ sau BIDV). Dư nợ tín dụng ghi nhận tăng trưởng 16% so với đầu năm, đạt 635.407 tỷ đồng; huy động vốn đạt 645.472 tỷ đồng, tăng 26%.
Với chiến lược kinh doanh đúng đắn, thể hiện rõ qua danh mục đầu tư chứng khoán của VietinBank khá đa dạng về các loại sản phẩm đầu tư, trong đó tập trung vào các trái phiếu an toàn, có tính thanh khoản cao để vừa đảm bảo dự trữ thanh khoản thứ cấp, mặt khác vẫn đảm bảo mục tiêu sinh lời. Tính đến 30/9/2016, danh mục đầu tư của VietinBank đạt 227.000 tỷ đồng.
Nợ xấu thấp nhất toàn ngành
Tính đến 30/9, nợ xấu của VietinBank vào khoảng 5.380 tỷ đồng, tương đương với 0,86% tổng dư nợ, giảm đáng kể so với con số 0,92% của đầu năm. Như vậy, trong số các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2016, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đang thấp nhất toàn ngành.
Sở dĩ VietinBank có thể duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp như vậy là nhờ việc tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Riêng trong quý III/2016, Ngân hàng đã chi ra tới 1.968 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2015. Từ đó có thể thấy, VietinBank không còn quá chú trọng vào lợi nhuận mà thay vào đó là tăng tính đảm bảo chất lượng các khoản vay cũng như khả năng thanh khoản.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng tích cực xử lý tín dụng theo từng đối tượng và nhóm khách hàng, điều chỉnh nhóm nợ phù hợp với thực trạng sản xuất, kinh doanh của đối tượng vay. Đồng thời, Ngân hàng cũng áp dụng hệ thống quản trị rủi ro và 3 vòng kiểm soát độc lập theo thông lệ quốc tế chuẩn Basel II, nên đã hạn chế tối đa phát sinh nợ xấu.
Đáng chú ý, với việc triển khai Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng (EWS) trên toàn hệ thống VietinBank từ cuối năm 2014 đã giúp ngân hàng kiểm soát tốt được nợ xấu. Hệ thống này sẽ đưa ra các cảnh báo về mức độ rủi ro của khách hàng, từ đó, Ngân hàng sẽ chủ động trong các biện pháp xử lý và hỗ trợ khách hàng, hạn chế khả năng phát sinh nợ xấu, tăng chất lượng tín dụng của hệ thống.
Theo số liệu thống kê của các ngân hàng lớn trên thế giới, việc triển khai hệ thống giám sát tín dụng và hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả có thể giúp phát hiện sớm khả năng không trả được nợ vay của khách hàng trước thời điểm xảy ra vỡ nợ thực sự, khoảng 6 tháng. Bên cạnh đó còn giúp ngân hàng giảm thiểu khoảng 60% tổn thất thay vì chỉ vào khoảng 20% so với ngân hàng không sử dụng hệ thống giám sát tín dụng. Do đó, EWS của VietinBank đã được trao giải Sao Khuê 2016.