KTĐT - Vietinbank cho biết, theo quy định nêu tại hợp đồng thuê đất thì ngân hàng được phép chuyển nhượng, cho thuê lại đất đã thuê. Vì vậy, với mặt bằng giá cho thuê hiện tại, nếu Vietinbank thực hiện chuyển nhượng, cho thuê lại đất trong dự án này thì sẽ có khoản lợi lớn về chênh lệch giá thuê, tính ra khoảng 60 triệu USD.
Sáng 9/1, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã có phản ứng chính thức về dự án ở Ciputra “có nguy cơ mất gần 1.000 tỷ đồng”.
Với mục đích xây dựng trụ sở làm việc, Vietinbank đã có trao đổi với đối tác nước ngoài để bàn việc góp vốn liên doanh xây dựng dự án tổ hợp công trình Vietinbank Tower để làm trụ sở chính hoạt động lâu dài của ngân hàng này, trên diện tích 29.923m2 đất thuê (TM01) trong Khu đô thị Tây Hồ Tây - Ciputra.
Chưa bàn giao mặt bằng vì chưa giải tỏa xong
Ngày 7/2/2007, theo đúng thẩm quyền, ông Phạm Huy Hùng, Tổng giám đốc Vietinbank đã có trao đổi với đối tác Singapore có ý định liên doanh với Vietinbank, ký bản ghi nhớ để có căn cứ trình Hội đồng Quản trị Vietinbank xem xét, chấp thuận.
Nội dung bản ghi nhớ này có giá trị ghi nhận mong muốn ban đầu của hai bên về việc liên doanh. Còn mục tiêu và trách nhiệm ràng buộc sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng liên doanh.
“Nội dung hợp đồng này được quyền điều chỉnh các nội dung ban đầu tại bản ghi nhớ, kể cả nội dung về tỷ lệ góp vốn của hai bên. Bản ghi nhớ ban đầu đã ghi rõ: các bên sẽ tiếp tục cùng nhau thảo luận việc Vietinbank góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, tạm tính là 28% vốn góp trong liên doanh. Nếu một trong hai bên không thoả thuận tiếp được thì được quyền từ chối bản ghi nhớ này như từ chối một lời mời hợp tác”, Vietinbank cho biết.
Sau khi có bản ghi nhớ nêu trên, ngày 29/1/2008, Hội đồng Quản trị Vietinbank đã họp liên tịch để xem xét và đã chấp thuận việc ký hợp đồng mua lại quyền sử dụng lô đất TM01 của dự án Khu đô thị Ciputra, và đàm phán ký hợp đồng liên doanh với đối tác nước ngoài để triển khai dự án.
Sau khi được Hội đồng Quản trị Vietinbank chấp thuận và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo chấp thuận cho Vietinbank được liên doanh với đối tác nước ngoài, với tỷ lệ góp vốn của Vietinbank là 50%, ngày 2/2/2008, ông Nguyễn Văn Thạnh - Phó tổng giám đốc Vietinbank đã ký hợp đồng thuê đất với Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long và ngày 26/2/2008 ký biên bản bàn giao khu đất nói trên để chuẩn bị dự án liên doanh.
Theo hợp đồng, tổng số tiền thuê đất mà Vietinbank phải trả cho Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long là 849 tỷ đồng. Song, theo Vietinbank, đến nay ngân hàng mới trả cho công ty này 102,1 tỷ đồng, còn phần lớn số tiền thuê đất (749 tỷ đồng) vẫn đang được Vietinbank giữ tại tài khoản phong tỏa ở Vietinbank - Chi nhánh Hà Nội, vì mặt bằng đất bên Ciputra chưa bàn giao cho Vietinbank do chưa giải tỏa được mặt bằng.
Về giá thuê đất, tại bản chào giá ngày 1/5/2007, Vietinbank đề nghị thuê với giá 500 USD/m2. Tuy nhiên, bên cho thuê đất không chấp thuận và cho rằng giá thuê đất phải bao gồm cả chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng của dự án và các nghĩa vụ tài chính trả tiền đất cho thành phố Hà Nội mà bên cho thuê đất phải trả trước ngày bàn giao đất.
Hội đồng Quản trị của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã có nghị quyết về giá chuyển nhượng quyền sử dụng của lô đất này từ 1.800 USD lên 2.000 USD/m2. Sau một thời gian dài tiếp tục thương thảo, hai bên đi đến thống nhất giá thuê tại thời điểm ký hợp đồng (2/2/2008) là 1.800 USD/m2.
Vietinbank cho biết: “Hiện nay, giá thuê đất tại Ciputra đã lên hơn gấp đôi (dao động từ 3.800 - 4.000 USD/m2) nhưng cũng không còn đất để cho thuê”.
Vietinbank cho hay, sau quá trình thương thảo, căn cứ mặt bằng giá thị trường thuê đất tại Ciputra lên cao thì giá trị quyền sử dụng đất thuê mà Vietinbank dự định sẽ góp vốn vào liên doanh lên tới 50% tổng giá trị dự án, từ mức 28%. Vì vậy, Vietinbank có văn bản trình và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận mức góp vốn là 50%.
Nhưng do không thống nhất được về vấn đề phân chia quyền lợi nên việc thỏa thuận để ký hợp đồng liên doanh phía đối tác Singapore không thành. Vì vậy, ngày 7/2/2008, đối tác đã có thư ngừng hoàn toàn không trao đổi tiếp về liên doanh.
Do đó, ngày 31/12/2008, Hội đồng Quản trị Vietinbank đã có nghị quyết về việc tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn đối tác liên doanh mới hoặc Vietinbank tự đầu tư 100% vốn.
Vietinbank cho biết, các công việc tiếp theo đang được ngân hàng triển khai tiếp theo hướng tự đầu tư 100%. Đồng thời khẳng định, từ trước đến nay Vietinbank không ký một hợp đồng liên doanh liên kết với bất kỳ đối tác nào về dự án Ciputra. Tuy nhiên, do bên cho thuê đất chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên chưa thể tiến hành triển khai dự án theo kế hoạch.
“Không có cơ sở”
Vietinbank cho biết, theo quy định nêu tại hợp đồng thuê đất thì ngân hàng được phép chuyển nhượng, cho thuê lại đất đã thuê. Vì vậy, với mặt bằng giá cho thuê hiện tại, nếu Vietinbank thực hiện chuyển nhượng, cho thuê lại đất trong dự án này thì sẽ có khoản lợi lớn về chênh lệch giá thuê, tính ra khoảng 60 triệu USD.
Tuy nhiên, Vietinbank khẳng định không chủ trương đầu tư kinh doanh bất động sản và sẽ sử dụng mảnh đất để xây dựng trụ sở chính.
Vietinbank cho rằng, hợp đồng thuê đất quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngân hàng trong trường hợp bên cho thuê vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết và hiện tại phần lớn số tiền để trả thuê đất vẫn đang được Vietinbank giữ trong tài khoản phong tỏa, nên “Vietinbank không thể bị thiệt hại về quyền lợi và không có việc thất thoát tiền”.
Với giải trình như trên, Vietinbank khẳng định: “Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn được giao, không có tư túi cá nhân hay vi phạm gì trong dự án này. Việc thông tin đưa tin về việc VietinBank “có nguy cơ mất gần 1.000 tỷ đồng” hay “thiệt hại chưa dừng ở 200 tỷ đồng” trong dự án Ciputra là hoàn toàn không có cơ sở”.
Về vấn đề lịch sử chính trị gia đình ông Phạm Huy Hùng mà có tờ báo nêu ra, VietinBank cho biết, ngay từ năm 2004 Bộ Công an và Ban Bảo vệ chính trị Nội bộ Trung ương đã tiến hành xác minh, làm rõ và kết luận không có điều gì vi phạm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã họp và thông báo tới toàn thể cán bộ chủ chốt của Vietinbank tại Hà Nội và Tp.HCM kết luận này. Hiện nay Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng còn là Bí thư Đảng ủy của ngân hàng nữa.