Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, đầu năm 2016, Tổng công ty sẽ hoàn tất việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để trong giai đoạn 2016-2020, Vietnam Airlines phấn đấu đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô.
Thoái vốn 731,3 tỷ đồng
Theo ông Phạm Ngọc Minh, việc tái cơ cấu Vietnam Airlines đã được triển khai đồng thời ở Công ty mẹ và các công ty thành viên, trong đó cổ phần hóa Công ty mẹ và thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty là công tác trọng tâm.
“Cổ phần hóa một hãng hàng không chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam nên không tránh khỏi có những khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay việc cổ phẩn hóa Tổng công ty đã đạt được kết quả theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra và cơ bản được hoàn thành,” vị Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay.
Cụ thể, theo báo cáo của Vietnam Airlines, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Tổng công ty đã thoái toàn bộ số cổ phần tại 10/15 danh mục và 900.000 cổ phần tại In Hàng không với giá trị vốn đầu tư tính theo mệnh giá là 537,7 tỷ đồng, chiếm 90,4% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái (tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái của 15 danh mục đẩu tư tính theo mệnh giá là 594,5 tỷ đồng). Tổng số tiền thu được từ việc thoái vốn 11 danh mục đầu tư là 731,3 tỷ đồng.
Đối với các khoản đầu tư cần thoái vốn còn lại (Công ty cổ phần Đầu tư Hàng không, Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không, Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Sài Gòn, Công ty cổ phần Nhựa Hàng không). Tổng công ty đã và đang triển khai các công việc liên quan để thực hiện thoái vốn và dự kiến số hoàn thành theo tiến độ yêu cầu trong quý 4/2015...
Trong giai đoạn 2011-2015, Vietnam Airlines thực hiện thành công cổ phần hóa Công ty mẹ, sử dụng nguồn tiền thu bán cổ phần lần đầu (IPO trong nước) để bổ sung vốn điều lệ. Quy mô vốn chủ sở hữu của Tổng công ty đến cuối năm 2015 dự kiến ước đạt 12.918 tỷ đồng, trong đó có 2.342 tỷ đồng là được bổ sung thêm từ quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ và 550 tỷ đồng tăng thêm do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính khi bàn giao vốn chuyển sang Công ty cổ phẩn.
“Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, với nguồn vốn được bổ sung, tình hình tài chính được cải thiện đáng kể giúp Tổng công ty tăng khả năng tự chủ và mức độ an toàn tài chính, các cân đối tài chính một cách hài hòa giữa ngắn hạn và dài hạn theo định hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cũng như tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt,” ông Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng sẽ đầu tư đổi mới đội tàu bay hiện đại, công nghệ cao nhằm nâng cao hình ảnh, cũng như khả năng tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo sự khác biệt về sản phẩm, dịch chuyển cơ cấu hành khách theo hướng tăng tỷ trọng khách thương gia, công vụ và khách có thu nhập cao để tăng doanh thu trung bình.
Cuối cùng, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục triển khai hoàn thành phương án cổ phần hóa công ty mẹ, hoàn thành công tác bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Hoàn tất quá trình đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong đầu năm 2016 để thu hút được vốn của cổ đông chiến lược, nâng cao năng lực tài chính và chuyển giao công nghệ, dịch vụ hiện đại, kinh nghiệm quản lý và tiếp cận với tiêu chuẩn kinh doanh, quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế.
Đứng đầu ASEAN
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh, giai đoạn 2016-2020, Vietnam Airlines phấn đấu đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị thế chi phối trong vận tải hàng không Tiểu vùng CLMV (tiểu vùng giữa các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar) cũng như xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu có uy tín của Việt Nam trên thị trường.
Đồng thời Vietnam Airlines cũng sẽ kết hợp với các hãng hàng không trong Tổng công ty Hàng không Việt Nam bao gồm Jetstar Pacific, Cambodia Angkor Air, VASCO xây dựng dải sản phẩm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của các đối tượng khách hàng, tạo lợi thế về quy mô trong việc kết hợp quảng bá sản phẩm, đào tạo, huấn luyện, bảo dưỡng tàu bay, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong vận tải hàng không, Vietnam Airlines sẽ lấy an toàn làm mục tiêu hàng đầu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với nguyên tắc “định hướng khách hàng”, từng bước nâng dần tỷ trọng khách thu nhập cao.
Song song đó, hãng cũng tiếp tục phát hành cổ phần ra công chúng vào năm 2017-2020 để tăng vốn điều lệ, đáp ứng nhu cẩu đầu tư phát triển đội bay và cải thiện các chi số an toàn tài chính, giảm dần tỷ lệ nắm giữ cùa Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ; lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty lên thị trường chứng khoán theo quy định...
Vietnam Airlines cũng định hướng lại mạng đường bay xây dựng theo mô hình “Trục-Nan” với tần suất khai thác ngày càng cao, tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm từng bước xây dựng 2 thành phố kinh tế trở thành trung tâm trung chuyên hàng không khu vực, tham gia khai thác các luồng khách lớn trong khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm trung chuyển lớn như Hong Kong, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur...
Để lại 50% lợi nhuận sau thuế
Để phát huy được vai trò chủ đạo của mình trong hoạt động vận tải hàng không của quốc gia, Tổng công ty kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành hỗ trợ giảm bớt chi phí đầu vào thông qua các chính sách về thuế, phí, đặc biệt là tại các sân bay mới, cần phát động khai thác như Cần Thơ, Phú Quốc; xây dựng cơ chế hạch toán riêng đổi với các đường bay không có khả năng sinh lời song lại có vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh tế xã hội địa phương cũng như đảm bảo về an ninh quốc phòng-“Đường bay công ích”.
“Các địa phương có thể tổ chức đấu thầu khai thác các đường bay đi/đến địa phương cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ/địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp hàng không đầu tư khai thác; vừa đảm bảo lợi ích phát triển thị trường đối với các hãng hàng không, vừa dáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương,” lãnh đạo Vietnam Airlines nói.
Về giải pháp tài chính cho doanh nghiệp, hãng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế để lại 50% lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2016-2020 nhằm bổ sung nguồn vổn chủ sở hữu của Tổng công ty theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt...