Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietnam Airlines phải cạnh tranh với hàng không giá rẻ

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Hàng không bùng nổ là cơ hội lớn cho nền tảng kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới, nhưng cũng là thách thức với Vietnam Airlines.

Đó là nhận định của ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), về hoạt động của ngành hàng không tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành giao thông vận tải.
Theo ông Dương Trí Thành, thị trường hàng không Việt Nam 5 năm qua phát triển bùng nổ, nguyên nhân là do sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ.
Cụ thể, ông Thành cho biết, ngành hàng không Việt đang thật sự bùng nổ, các hãng hàng không giá rẻ đang mang lại cơ hội được đi máy bay nhiều hơn cho người dân. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng khốc liệt hơn.
 Vietnam Airlines lập kế hoạch báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đảm bảo tăng trưởng thị phần vận chuyển hàng không truyền thống cùng với việc phát triển và đẩy mạnh hàng không giá rẻ (Jetstar Pacific) mà hãng đang chiếm xấp xỉ 70% cổ phần.
“Hàng không bùng nổ là cơ hội lớn cho nền tảng kinh tế Việt Nam để hội nhập với thế giới nhưng cũng là thách thức trong thời gian tới. Con số khách vận chuyển trong năm 2016 vừa qua đã vượt dự kiến hành khách của năm 2020, nguyên nhân là do sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ,” ông Thành nhìn nhận.
Theo ông Thành, đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nội địa nhộn nhịp đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ số ghế/km hành khách đứng thứ 24 thế giới, trong khi kết cấu hạ tầng khác thì không bằng.
Người đứng đầu Vietnam Airlines nhấn mạnh an toàn hàng không là yêu cầu quan trọng và cấp bách trong môi trường sức ép căng thẳng về thời gian hạ tầng hiện nay.
“Hiện thành phố Hồ Chí Minh đã cho tăng cường lịch bay từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau dẫn đến áp lực lên thi công, kỹ thuật, sân bay ùn tắc, tăng cường kiểm tra giám sát. Hãng cam kết đảm bảo an toàn, tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ và khai thác trong thời gian tới,” ông Thành nói.
Điểm nổi bật nhất mà Vietnam Airlines đạt được trong năm 2016, ông Thành đánh giá đó là triển khai tốt việc cổ phần hóa, đầu năm 2017, Vietnam Airlines lên sàn với mức khởi điểm 28.000/cổ phiếu, sau 2 ngày kịch trần đạt trên 51.000 đồng/cổ phiếu, hiện nay giao dịch bình ổn khoảng 41.00-42.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, theo kế hoạch 5 năm và kế hoạch phát triển, Vietnam Airlines đã hoàn thành cấu trúc đội tàu bay. Năm 2016, năm đầu tiên Vietnam Airlines đón hành khách thứ 20 triệu, kế hoạch dự kiến năm 2017 đạt hơn 21 triệu hành khách và đến tháng 11/2017, Vietnam Airlines sẽ đón hành khách thứ 200 triệu.
Có được kết quả vượt bậc đó, Vietnam Airlines đã nỗ lực phấn đấu để đạt tiêu chuẩn hãng hàng không quốc tế 4 sao và nâng giá trị thương hiệu tăng 3,7%.
Năm 2017, Vietnam Airlines dự kiến sẽ vận chuyển 21,7 triệu hành khác, 130.000 chuyến bay, doanh thu phấn đấu đạt 1.186 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến bay, bảo đảm tăng dịch vụ, đầu tư hàng không giá rẻ, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ban, mở rộng sân bay, phục vụ đội tàu bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hết năm 2016, ước khoảng 52,2 triệu hành khách đã chọn đường hàng không, tăng hơn 29% so năm 2015, riêng lượng hành khách bay nội địa tăng cao, đạt 28 triệu lượt, tăng 30% so năm 2015.
Hiện tại, phân khúc thị trường nội địa được chia sẻ bởi bốn hãng hàng không, trong đó 87% thị phần thuộc về Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Xu hướng sử dụng hình thức bay giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ khi có đến 15 triệu lượt khách sử dụng hàng không giá rẻ trong năm 2016, chiếm gần 55% tổng lượng hành khách vận chuyển trên các đường bay quốc nội.
Còn trên các đường bay quốc tế, năm 2016 cũng chứng kiến sự bùng nổ mở đường bay của cả các hãng hàng không trong nước lẫn nước ngoài.
Tính chung, có hơn 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 78 đường bay đi và đến Việt Nam.
Các hãng hàng không trong nước cũng đã khai thác thêm nhiều đường bay mới nhằm gia tăng thị phần và sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với các hãng nước ngoài.