Điều này thấy khá rõ ở tập 3 của Vietnam’s Next Top Model phát tối 9/10 trên VTV3. Gian nan mà cần thiết Xem trên truyền hình, khán giả đều thấy rõ sự “choáng ngợp” và thú vị của các thí sinh nhưng rồi sau đó người xem lại đồng hành cùng các cô và chứng kiến sự đau đớn khi tập luyện và nước mắt chan hòa. 21 cô gái sẵn sàng cho cuộc hành trình mới nhiều thử thách. Điều Vietnam’s Next Top Model đã làm được trong chương trình của mình là họ đã làm cho người xem hiểu về nghề người mẫu với những thử thách mà nếu chỉ từ ngoài nhìn vào không mấy ai hiểu được. Đó là đằng sau những bước chân sải trên sàn diễn còn bao nhiêu mồ hôi, đau đớn về thể chất và cả căng thẳng tinh thần khôn tả. Bộ tứ ban giám khảo như Xuân Lan, Đỗ Mạnh Cường, Nam Trung và Phạm Hoài Nam sau những hòa đồng cùng thí sinh, họ lại trở về vị trí cầm cân nảy mực rất công tâm và trang nghiêm của mình. Đây là ấn tượng đặc biệt về giám khảo của Vietnam’s Next Top Model. Giám khảo Nam Trung cũng có những nhắc nhở hữu ích khi anh nói về tình trạng người mẫu hiện nay tập trung cho “diễn mình nhiều hơn diễn đồ.” Anh cũng đánh giá có những thí sinh như “sinh ra để làm người mẫu” song phải nỗ lực nhiều. Vận động viên bóng rổ Lê Thị Thúy phải rất chật vật, đổ mồ hôi cho từng bước chân. Và khi giám khảo có lời khen tặng cho những cố gắng của cô thì cũng là lúc chân Thúy đau đến mức khuỵu xuống. Một số khán giả cho rằng: “Những cô gái không được chọn đã phải ra về hẳn khá ngậm ngùi nhưng chương trình lại có vẻ chú ý “đặc tả” cảnh dọn đồ, kéo vali ra về xem ra hơi... đau nhói! Khán giả xem thấy “ngài ngại” thì gia đình và người thân của các cô ấy sẽ thấy sao? Nếu có thể thì lược qua, quay hình ảnh từ xa cũng được.” Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng chương trình mang tính chất truyền hình thực tế thì nên thế. Về mặt ý nghĩa thì các thí sinh ở lại thấy giá trị của sự nỗ lực mình đã bỏ ra. Với thí sinh phải về cũng là một lần rút kinh nghiệm. Thực tế trong các cuộc thi thiếu gì quán quân đăng quang đã từng đã kéo vali thất bại rời cuộc thi trước đó. Xuân Lan uốn nắn thí sinh Giám khảo Xuân Lan không chỉ dạy nghề mặc dù những lần làm mẫu của cô hoàn hảo khiến khán giả cũng… ngất ngây. Về tập diễn, Xuân Lan nhận xét rằng thí sinh nào tưởng mình đã tham gia diễn thời trang thì tự tin nghĩ làm một “Top Model” cũng vậy thì hoàn toàn sai. Vì dạy mới còn dễ hơn sửa cái sai đã thành quen. Xuân Lan nói: “Biết diễn rồi lại khó đào tạo hơn.” Chị Hương, một “tín đồ thời trang” ở Hà Nội, xem chương trình phải thốt lên: “Có lẽ với nhiều người xem chứng kiến siêu mẫu Xuân Lan trong tập 3 mới hiểu được cô ấy và nghề người mẫu hơn rất nhiều. Không hề có sự phóng túng, dễ dãi, bay bổng mà là 'lò luyện thí sinh' đã đem đến cảm nhận nghề người mẫu cần khổ luyện khắc nghiệt.” Thí sinh Lê Thị Phương “hồn nhiên như cây cỏ” khi lao ra giành và giữ khư khư một đôi giày cao cho mình thì đã bị nắn sửa là chỉ biết sống cho mình khi đang ở giữa tập thể. Xuân Lan rất sắc và nghiêm khắc nhưng điều này thực sự tốt cho các cô gái.
Theo siêu mẫu Xuân Lan, các cô gái không chỉ cần có bước đi điêu luyện, vóc dáng đẹp mà cần phải có cả cách sống đẹp. Lê Thị Phương thanh minh: “Em chỉ ở quê thôi” và khóc. Rằng cô chưa đi giày cao bao giờ nên được đôi đi vừa chân thì giữ ngay, và vì giám khảo bảo phải đi nhanh. Song bất luận thế nào thì trong mọi tình huống các cô vẫn phải vượt qua sự ích kỷ. Đây là điểm hay của “lò luyện” này. Cái tinh tường của Xuân Lan còn thế hiện ở nhận xét khen thí sinh “ăn may” lọt được vào. Theo giám khảo nữ duy nhất này thì thí sinh không hiểu hết trang phục nhưng đã “vô tình biểu cảm đúng” và may mắn hợp với yêu cầu của trang phục. Với Hoàng Thị Thùy hay thể hiện sự gai góc, Xuân Lan thẳng thắn khuyên: “Cá tính là tốt nhưng cần có giới hạn. Chúng tôi cho em cơ hội để biết mình cần phải làm gì, tới đâu!” Được biết, tập 4 sẽ lên sóng VTV3 tối chủ nhật 16/10 với sự tham gia của 15 Top Model thực sự được vào mái nhà chung của Vietnam’s Next Top Model 2011./.