Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Viettel đầu tư ra nước ngoài: “Những nơi dễ không còn nữa”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ra nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu rất lớn,

KTĐT - Hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ra nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu rất lớn, và cũng là thế mạnh của Viettel.

Thời gian qua, việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) liên tiếp mở rộng các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã thu hút nhiều sự quan tâm trong dư luận.

Nhiều người ủng hộ bước đi được coi là dám nghĩ, dám làm và thể hiện sự lớn mạnh của Viettel. Nhưng, cũng có những ý kiến lo ngại kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của Viettel là có tính rủi ro cao.

Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đã dành cho báo giới một cuộc trao đổi thẳng thắn về kế hoạch “tiến quân” ra ngoài lãnh thổ Việt Nam của Viettel.

Việc xúc tiến mở rộng đầu tư ra nước ngoài của Viettel đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ngoài thị trường Lào và Campuchia mà Viettel đã đầu tư và đi vào hoạt động, hiện Viettel cũng đang xúc tiến mở rộng đầu tư tới nhiều nước tại châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh, tuy nhiên, những thị trường này vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa có ký kết cụ thể.

Hai lĩnh vực chính mà Viettel lựa chọn để đầu tư ra nước ngoài là dịch vụ viễn thông di động và Internet băng thông rộng, bởi đây là hai lĩnh vực đang phát triển nhanh, có nhu cầu rất lớn, và cũng là thế mạnh của Viettel.

Các ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại các thị trường mà Viettel quan tâm?

Những vấn đề lớn nhất mà bất kỳ công ty nào khi đầu tư ở nước ngoài bao giờ cũng phải quan tâm là văn hóa, ngôn ngữ, tiềm năng phát triển kinh tế, mức tiêu xài của người dân quốc gia đó, sự ổn định chính trị...

Phải khẳng định, trong lĩnh vực viễn thông, người ta (các công ty nước ngoài - PV) đã đầu tư được hơn 20 chục năm rồi, Viettel bây giờ mới bắt đầu đi và mới có điều kiện để đi, nên những nơi dễ không còn nữa, mà chỉ còn những nơi khó thôi.

Gặp khó khăn, một là thôi không làm nữa, để tránh bị rủi ro, hoặc thứ hai, trong khó khăn lại có cơ hội, vì khó khăn thì sẽ ít người cạnh tranh. Mặt khác, khó khăn cũng khiến mình phải có những giải pháp mới, ý tưởng, sáng tạo mới, làm cho tổ chức, bộ máy của mình trưởng thành và có kinh nghiệm hơn.

Viettel vốn dĩ đi ra từ khó khăn, ngày đầu trong tay có nguồn lực rất ít, tiền ít, lại ở một nước có tới 7 công ty viễn thông di động, nhưng chính trong môi trường cạnh tranh như vậy nên Viettel cũng đã học được nhiều, như cách làm, chính sách, chiến lược và có thể áp dụng được vào những nước nghèo, thu nhập chưa cao, cạnh tranh khốc liệt.

Vừa rồi, chúng tôi đầu tư sang Lào, Campuchia, cũng là những nước nghèo và cạnh tranh khốc liệt. Ở Campuchia có trên 10 công ty cạnh tranh nhau đã hơn chục năm rồi. Ở Lào thì đất rộng nhưng người ít, thu nhập đầu người không cao, nhiều công ty muốn bỏ thị trường đi nhưng Viettel nhìn thấy cơ hội và đầu tư vào.

Dự định ở những thị trường này, trong năm 2010 Viettel sẽ có lãi.

Nhưng đấy là với Lào và Campuchia, hai quốc gia láng giềng có chế độ chính trị khá ổn định, còn với những nước khác mà Viettel đang xúc tiến đầu tư - trong đó có những nước được xếp vào diện bất ổn - thì sao, thưa ông?

Tôi phải khẳng định lại là những nơi dễ thì đã không còn nữa. Trên thế giới có hàng nghìn các công ty lớn về viễn thông, hàng trăm công ty mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài, họ đã đến hết những nước thuận lợi rồi. Những nước còn lại, họ nhìn thấy chỉ còn là những rủi ro, trong đó có rủi ro về bất ổn chính trị...

Tuy nhiên, dù những đất nước đó có chính trị không ổn định, nội chiến, thiên tai, nhưng dịch vụ viễn thông thì vẫn là thiết yếu, nó như là cơm là gạo, vì thế chính phủ nào cũng cần, cần ở mọi nơi mọi lúc. Mặt khác, viễn thông còn là hạ tầng cơ sở, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, xây dựng, kinh tế…

Bất kỳ lịch sử của dân tộc, đất nước nào, sau thời loạn là đến thời bình, nếu mình có niềm tin đó thì đi, vấn đề là ở cách nhìn của mình thôi.

Vậy thì cách nhìn của Viettel khi đầu tư ra nước ngoài là gì?

Trong ngành viễn thông có một “luật” gọi là “luật số ba”.

Một đất nước dù đang cấp rất nhiều giấy phép về viễn thông hoặc đang có khá nhiều công ty viễn thông cùng hoạt động, thì thường chỉ có ba công ty lớn, đứng đầu, chiếm trên 90% hoặc 95% tổng thị trường đó.

Vì thế những công ty đứng thứ tư, năm hay sáu thường là những công ty rất nhỏ và khó tồn tại được trong dài hạn.

Đi ra nước ngoài, muốn có lãi và tồn tại lâu dài, thì Viettel bắt buộc phải đặt mục tiêu là đứng ở top 3. Như ở Campuchia, hiện quy mô mạng lưới, dung lượng, vùng phủ sóng của Viettel là đứng thứ nhất; thuê bao thì đứng thứ hai; ở Lào mạng lưới cũng đứng thứ nhất, thuê bao đứng thứ 3.

Vậy vũ khí cạnh tranh chủ đạo của Viettel tại các thị trường đó là gì, để các ông có thể đứng ở top 3?

Đầu tiên là tầm nhìn chiến lược của Viettel, đó là tầm nhìn dài hơn và nhìn khác người khác. Thứ hai là chiến lược cạnh tranh khác biệt. Thứ ba là giá thành tốt. Thứ tư là làm quyết liệt với phong cách người lính, vì không nằm trong top 3 thì chết, phía sau là dòng sông rồi không có đường thoát nữa.

Với những kinh nghiệm đã có ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tôi tin rằng Viettel có thể đi tiếp.