Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức thường niên 2 năm một lần. Hội thi nhằm tạo sân chơi, tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi phát huy ý tưởng sáng tạo, tạo ra những tác phẩm thủ công mỹ nghệ có tính mới, kỹ thuật, mỹ thuật, ứng dụng cao và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Hội thi cũng là cơ hội kết nối văn hoá vùng miền, giúp cho các làng nghề, cơ sở nghề hợp tác cùng phát triển; định hướng sản xuất kinh doanh, mở rộng tiếp cận thị trường. Đồng thời, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Qua 6 tháng phát động, Ban tổ chức Hội thi đã tiếp nhận 369 sản phẩm của 196 tác giả, nhóm tác giả cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; trong đó, riêng khu vực miền Bắc có 251 sản phẩm của 132 tác giả. Nhóm mây, tre, lá có 102 sản phẩm, chiếm số lượng lớn nhất; tiếp đến là nhóm dệt, thêu đan, móc với 83 sản phẩm…
Mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một tác phẩm thai nghén, kết tinh từ sự lao động cần mẫn, nghiêm túc, sáng tạo không ngừng cùng với công nghệ tiên tiến của các nghệ nhân, người lao động, thợ thủ công mỹ nghệ và người dân nông thôn. Có sản phẩm mang tính độc lạ từ chất liệu lá, vỏ khô… Nhiều sản phẩm mang tính đa năng, vừa là vật dụng trang trí mà vẫn sử dụng được hàng ngày.
Sau thời gian làm việc công tâm, Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn ra 48 sản phẩm để trao 1 Giải Đặc biệt; 5 Giải Nhất; 10 Giải Nhì; 15 Giải Ba và 17 Giải Khuyến khích. Những sản phẩm đạt giải đã đại diện cho các vùng miền, tập trung ở 16 tỉnh, TP. Trong đó, Hà Nội – cái nôi của làng nghề là địa phương có số lượng sản phẩm đạt giải lớn nhất.
Bộ NN&PTNT cho biết, các sản phẩm đạt giải tại Hội thi sẽ được quảng bá, giới thiệu dưới nhiều hình thức để người dân trong nước và nước ngoài biết đến; tạo sự giao thoa văn hoá. Mỗi nghệ nhân sẽ là một sứ giả ngoại giao và mỗi sản phẩm làng nghề là một tấm visa thông hành, đưa tinh hoa, văn hoá của Việt Nam hướng ra thế giới.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, Hội thi năm nay đã tạo môi trường giao lưu học hỏi và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm làng nghề, giúp thay đổi tư duy theo hướng hợp tác, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm. Góp phần thúc đẩy quá trình tri thức hoá, chuyên nghiệp hoá nông dân để xây dựng thế hệ nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh Việt Nam có bề dày lịch sử, với nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Các sản phẩm làng nghề thông qua đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, thợ giỏi đã kết tinh thành giá trị. Đó cũng chính là hồn cốt, tinh hoa, tinh tuý sản phẩm làng nghề của đất nước Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn tất cả cùng chia sẻ, chung tay để tạo nên hệ sinh thái sản phẩm làng nghề, để thấy rằng Việt Nam có một báu vật, một di sản để nâng niu, trân trọng. “Một sản phẩm làng nghề không chỉ được đong đếm bằng bao nhiêu tiền, mà đó nên được xem là niềm tự hào, trí tuệ của người Việt Nam…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Cũng trong tối 3/11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy). Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 2 - 6/11/2022.
Hội chợ có quy mô 150 gian hàng tiêu chuẩn, quy tụ sản phẩm đến từ 33 tỉnh, TP. Sản phẩm được trưng bày đều bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được các tỉnh, TP đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên.
Điển hình như: Gạo Séng Cù Lào Cai; Bánh đậu xanh Hải Dương; Bánh đa Đô Lương (Nghệ An); Chè Shan Tuyết Hồng Thái (Tuyên Quang); Xoài cát Cao Lãnh (Đồng Tháp); Nấm lim xanh Quảng Nam; Nước mắm Cà Ná (Ninh Thuận); Yến sào Nha trang (Khánh Hoà); Mỹ chũ Bắc Giang; Quả Na Chi Lăng (Lạng Sơn); Cam Hàm Yên (Nghệ An)…
Hội chợ được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi có sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc. Giới thiệu, quảng bá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển tiềm năng văn hoá du lịch và ngành nghề nông thôn...