Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: nhiều chuyển biến trong hoạt động đầu tư, phát triển doanh nghiệp

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước tính đạt 2.685,38 tỷ đồng, tăng 15,55% so với cùng kỳ năm trước, bằng 34,53% kế hoạch vốn giao đầu năm.

Đến ngày 15/5/2024, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 2.380,53 tỷ đồng, bằng 43,28% kế hoạch giao.  Ảnh minh họa Hoàng Hùng.
Đến ngày 15/5/2024, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 2.380,53 tỷ đồng, bằng 43,28% kế hoạch giao. Ảnh minh họa Hoàng Hùng.

Vốn ngân sách có vai trò tích cực trong phục hồi, phát triển kinh tế xã hội

Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, đến thời điểm tháng 5/2024, kết quả thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tiếp tục có nhiều khởi sắc, tác động lan toả tới sự hồi phục, phát triển của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 5/2024 tăng khá, ước tính đạt 706,55 tỷ đồng, tăng 10,54% so với tháng trước và tăng 23,81% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 277,25 tỷ đồng, tăng 18,11%; vốn ngân sách cấp huyện là 188,20 tỷ đồng, giảm 23,80%; vốn ngân sách cấp xã là 241,10 tỷ đồng, tăng 171,05% so với cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện ước tính đạt 2.685,38 tỷ đồng, tăng 15,55% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 34,53% kế hoạch vốn giao đầu năm.

Trong 5 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 2.380,53 tỷ đồng, bằng 43,28% kế hoạch giao. Ảnh: Hoàng Hùng. 
Trong 5 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 2.380,53 tỷ đồng, bằng 43,28% kế hoạch giao. Ảnh: Hoàng Hùng. 

Về kết quả thu hút đầu tư những tháng đầu năm, tính đến ngày 15/5/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án FDI (vốn đầu tư nước ngoài), gồm 22 dự án cấp mới và 19 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 414 triệu USD, tăng 57,47% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, các đối tác đầu tư truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành mũi nhọn về thu hút đầu tư FDI với 38 dự án;

Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có 10 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký 50,25 triệu USD và 07 dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn 195,91 triệu USD. Tính đến ngày 15/5/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký đạt 2.380,53 tỷ đồng, bằng 43,28% kế hoạch giao.

Đăng ký hoạt động doanh nghiệp có sự chuyển biến về chất

Số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy, tình hình đăng ký hoạt động doanh nghiệp có chuyển biến so với trước kia. Tính đến ngày 15/5/2024, toàn tỉnh có 558 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.524 tỷ đồng, giảm 8,22% về số doanh nghiệp, tăng 10,95% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tạo thêm việc làm cho 5.171 lao động, tăng 62,81% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ các doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới  trong 5 tháng đầu 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc có sự suy giảm về số lượng, nhưng lại tăng  đáng kể về vốn đăng ký. Ảnh: Hoàng Hùng.  
Tỷ lệ các doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới  trong 5 tháng đầu 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc có sự suy giảm về số lượng, nhưng lại tăng  đáng kể về vốn đăng ký. Ảnh: Hoàng Hùng.  

Được biết, số lượng doanh nghiệp thành lập trong kỳ tập trung ở những ngành kinh tế lớn là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số lượng doanh nghiệp thành lập lớn nhất với 210 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 1.134 tỷ đồng; công nghiệp chế biến, chế tạo có 91 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 1159 tỷ đồng; xây dựng có 79 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 789 tỷ đồng…

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 200 doanh nghiệp, tăng 34,23% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 649 doanh nghiệp, tăng 38,38%; số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 69, tăng 91,67%.

Việc giảm số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nhưng lại tăng 10,95% về vốn đăng ký, cũng như số doanh nghiệp quay lại hoạt động ít hơn so với số doanh nghiệp giải thể, cho thấy sự khốc liệt, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đang tập trung cải thiện về chất lượng, thay vì số lượng. Người dân cũng đã nhận thức được trách nhiệm nặng nhọc của mình, khi quyết định đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng

Tháng 5/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.385,8 tỷ đồng, tăng 2,55% so với tháng trước và tăng 8,87% so với tháng 5/2023.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5 đạt 5.179,5 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tháng trước và tăng 8,10% so với tháng 5/2023. So với cùng kỳ năm trước, một số ngành hàng có tốc độ tăng cao: hàng may mặc tăng 33,51%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 33,94%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 27,59%; lương thực thực phẩm tăng 26,42%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 68,50%...

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trong tháng 5/2024 ước tính đạt 597,1 tỷ đồng, tăng 1,92% so với tháng trước và tăng 9,41% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 59,8 tỷ đồng, tăng 18,7%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 500,0 tỷ đồng, tăng 6,12%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 37,3 tỷ đồng, tăng 54,01% so với cùng kỳ.

Doanh thu các ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 609,3 tỷ đồng, tăng 2,65% so tháng trước và tăng 15,27% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 31.072,6 tỷ đồng tăng 5,97% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 25.267,2 tỷ đồng, tăng 5,23%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 2.848,2 tỷ đồng, tăng 7,13%; doanh thu các ngành dịch vụ khác đạt ước 2.957,1 tỷ đồng, tăng 11,46%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tăng, cũng cho thấy các giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Vĩnh Phúc đã dân phát huy hiệu quả. Đời sống vật chất, cũng như tinh thần của người dân tiếp tục có những triển biến tích cực sau một thời gian gặp khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, cũng như những biến động của tình hình thế giới như xung đột, chiến tranh.