Nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tham gia các chế độ BHXH
Trong 5 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) tại tỉnh Vĩnh Phúc đều tăng so với năm 2023. Từ đầu năm đến nay, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 160 đơn vị mới với 775 lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, Bảo hiểm tự nguyện (BHTN). Đồng thời tăng mới 777 người tham gia BHXH tự nguyện và 11.948 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Tính đến thời điểm 31/5, số người tham gia BHXH tại tỉnh Vĩnh Phúc là 266.799 người, tăng 3.365 người so với cùng thời điểm năm trước, chiếm 44,04% lực lượng lao động.
Kết quả như trên thấp hơn 0,96% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28/TW và Chương trình hành động số 62-Ctr/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là 45% lực lượng lao động tham gia BHXH); và cao hơn 0,14% so với chỉ tiêu tại Chương trình hành động số 02-Ctr/UBND tỉnh năm 2024 (chỉ tiêu đặt ra 43,9% lực lượng lao động tham gia BHXH).
Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 19.261 người, tăng 1.668 người so với cùng thời điểm năm trước, chiếm 3,18% lực lượng lao động, vượt 0,68% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28/TW và Chương trình hành động số 62-Ctr/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (đặt ra đến năm 2025 đạt 2,5% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện).
Tính đến 31/5, số người tham gia BHYT là 1.146.000 người, tăng 24.037 so với cùng thời điểm năm trước, đạt tỷ lệ bao phủ 94,62% (so với dân số 1.211.346 người), thấp hơn 0,23% so với Quyết định số 456/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 trên 94,85% dân số tham gia BHYT).
Được biết, mục tiêu phấn đấu của BHXH tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 95,18% dân số. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH trên lực lượng lao động đạt 45,52%, trong đó tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện trên lực lượng lao động đạt 3,89%. Ngành bảo hiểm cũng đặt mục tiêu tỷ lệ lao động tham gia BHTN trên lực lượng lao động đạt 39,5%.
Thực tế, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa tích cực của việc tham gia các chế độ BHXH nói chung. Việc đặt các mục tiêu tăng tỷ lệ người tham gia các chế độ BHXH tại tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết, để hỗ trợ thiết thực người tham gia có khả năng đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống, hay những rủi ro bất ngờ - ốm đau, tai nạn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Cần có cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động khi chủ sử dụng lao động hết khả năng đóng BHXH
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề trên, ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả triển khai mở rộng người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tăng so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng đến công tác triển khai vận động người dân tham gia các chế độ BHXH, đặc biệt là loại hình BHXH tự nguyện.
“Tại tỉnh Vĩnh Phúc, việc tuân thủ chính sách pháp luật về tiền lương, hợp đồng lao động và kê khai đóng BHXH, BHYT của một số doanh nghiệp chưa tốt. Có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, địa chỉ doanh nghiệp thường xuyên thay đổi gây rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận để đôn đốc thu và thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và giải quyết các chế độ bảo hiểm của người lao động.” – ông Nguyễn Duy Phương cho biết.
Việc khai thác, vận động để người dân tham gia BHXH tự nguyện cũng gặp khó khăn do tăng mức đóng theo phần trăm của mức chuẩn nghèo nông thôn. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 22% x 1.500.000 đồng (mức chuẩn nghèo nông thôn theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ) = 330.000 đồng/tháng.
Mức đóng thấp nhất nói trên, cũng đã tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện giai đoạn trước năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng). Mặt khác, thời gian đóng để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí là 20 năm, cũng khiến nhiều người dân từ chối tham gia.
Lãnh đạo BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới đơn vị bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, cấp ủy chính quyền địa phương triển khai công tác vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh về tình hình thực hiện đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn.
Đồng thời, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào nghị quyết của cấp ủy các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm của địa phương. Thực hiện rà soát cập nhật, phân loại đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo địa bàn cấp xã, tiến hành nắm bắt thực trạng, nhu cầu và điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình để có các hình thức vận động tuyên truyền phù hợp.
Hiện tại, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Đoàn ĐBQH tỉnh một số nội dung tham gia góp ý dự thảo Luật BHXH. Trong đó có nội dung mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với hộ kinh doanh; quy định cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động.