Cải thiện điều kiện sống cho nhũng người yếu thế
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc đang áp dụng cao hơn 1,24 lần so với Nghị định 20/NĐ-CP về quy định chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội.
Hiện tại, Vĩnh Phúc có 43.807 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm các nhóm đối tượng: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em đủ 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, nhưng đang học văn hóa, học nghề, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo;
Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật, đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học văn bằng thứ nhất quy định (người đơn thân nghèo đang nuôi con);
Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
Người từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng;
Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Khẳng định quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân
Theo ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, nhóm chính sách trợ giúp các đối tượng yếu thế cải thiện điều kiện sống: Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 về Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo đó mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc là 447.000đ/người, hệ số 1,0.
Kinh phí tăng thêm giữa mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị quyết 10/2021/NQ-HĐND (447.000 đ/người, hệ số 1,0) của Vĩnh Phúc so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định 20/NĐ-CP (360.000 đ/người, hệ số 1,0).
“Có thể thấy, mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc cao hơn 1,24 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội do trung ương quy định. Đồng thời, hiện nay mức chuẩn trợ giúp xã hội của Vĩnh Phúc cũng nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao so với các tỉnh, thành phố khác.” – ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.
Báo cáo của Sở LĐ – TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, hệ thống chính sách xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng, nhất là các nhóm yếu thế; từng bước nâng mức trợ giúp cho đối tượng, tiếp cận dần đến mức sống tối thiểu; đảm bảo cho mọi người có được mức sống tối thiểu về thu nhập và tiếp cận ở mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản;
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng không để người nào bị đói do thiếu lương thực, nhất là vào dịp tết, giáp hạt hay bị thiên tai; trợ giúp kịp thời khi người dân gặp rủi ro để sớm ổn định cuộc sống. Mức chuẩn trợ giúp xã hội là cơ sở để thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp bảo đảm xã hội, khẳng định quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân; quan tâm hỗ trợ đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.