Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: triển khai nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo quý II cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương 6 tháng đầu năm 2024.

Các ông Ngô Duy Đông - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Phan Thế Huy - Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Hoàng Mạnh Du - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì họp báo. Ảnh: Sỹ Hào
Các ông Ngô Duy Đông - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Phan Thế Huy - Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Hoàng Mạnh Du - Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đồng chủ trì họp báo. Ảnh: Sỹ Hào

Kinh tế đã vượt qua khó khăn và đang dần được phục hồi

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt qua khó khăn của năm 2023 và đang dần được phục hồi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có sự khởi sắc ở cả 3 khu vực kinh tế. Tốc độ tăng GRDP ước tính đạt 6,26% (đứng thứ 9/11 tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và thứ 32/63 cả nước).

“Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính tăng 1,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng 9,1%, trong đó riêng công nghiệp tăng khoảng 9,2%; khu vực dịch vụ ước tăng 6,0% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 1,53% so với cùng kỳ năm 2023.

Quy mô giá trị gia tăng theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm ước đạt 80,72 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%, khu vực dịch vụ chiếm 30,14% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,71% tổng giá trị tăng thêm.“ - ông Nguyễn Văn Thông chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Sỹ Hào. 
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Sỹ Hào. 

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại ổn định, không có biến động lớn về mức giá, sản phẩm đa dạng, chủng loại và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 37.630 tỷ đồng, tăng 6,69% so với cùng kỳ. Giá cả hàng hóa trên địa bàn ổn định, bình quân 5 tháng đầu năm 2024 chỉ số CPI tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ.

Tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Vốn đầu tư công được phân bổ theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, tập trung cho các công trình quyết toán, chuyển tiếp, các công trình thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, hạn chế khởi công công trình mới.

Tổng số vốn kế hoạch năm 2024, Vĩnh Phúc được giao 7.776,625 tỷ đồng, đến hết tháng 6/2024 cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết đạt 98% và cấp huyện, cấp xã đã phân bổ chi tiết đạt 96,3%, số vốn phân bổ sau do các dự án chưa đảm bảo về thủ tục và sẽ được trình phân bổ hết tại kỳ họp HĐND các cấp giữa năm 2024.

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công toàn tỉnh ước đạt 2.739 tỷ đồng, bằng 35,2% kế hoạch năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (22,34%)...

Về các giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được chú trọng thực hiện, xác định là động lực thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Các cấp, các ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để phân bổ chi tiết hết vốn đầu tư công năm 2024 ngay trong tháng 7/2024. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án lớn, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia.

“Kịp thời điều chuyển vốn đối với các dự án gặp vướng mắc, khó giải ngân sang các dự án có thể hấp thụ ngay nguồn vốn đầu tư. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%.

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo dõi và kịp thời hướng dẫn, triển khai tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng. Có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.” - ông Nguyễn Xuân Thông nêu.

Thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2024, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách, giải quyết việc làm, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và hoạt động đối thoại doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng
Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng

Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào tỉnh, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu về thu hút đầu tư nhất là thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI).

Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy doanh nghiệp thành lập mới và giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phan Thế Huy cảm ơn sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua.

Đối với những ý kiến của các phóng viên nêu tại họp báo về các vấn đề liên quan đến tình hình phát triển kinh tế; bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp ăn; xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh… sẽ được các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc trả lời bằng văn bản theo quy định.