Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vĩnh Phúc: giải quyết việc làm cho 13.700 người trong 6 tháng đầu năm

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81% kế hoạch năm. Ước tính lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có 613 nghìn người, tăng 1,56% (tăng 9,4 nghìn người) so với cùng kỳ năm 2023.

Giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước

Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế, thị trường lao động việc làm tại tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ, giải quyết việc làm được thực hiện theo hướng linh hoạt, hiệu quả.

Cơ cấu lực lượng lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng được cơ quan chuyên môn ghi nhận có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng khu vực thành thị. Ảnh minh họa: Lương Giang
Cơ cấu lực lượng lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng được cơ quan chuyên môn ghi nhận có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng khu vực thành thị. Ảnh minh họa: Lương Giang

Đồng thời, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo... tiếp tục được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, góp phần ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

“Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh có 613 nghìn người, tăng 1,56% (tăng 9,4 nghìn người) so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động đang làm việc trên toàn tỉnh ước tính đạt 602,7 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính đạt 36,2%.” – ông Nguyễn Hồng Phong, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Cơ cấu lực lượng lao động tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng được cơ quan chuyên môn ghi nhận có sự chuyển dịch theo xu hướng tăng khu vực thành thị (ước đạt 207,7 ngàn người, tăng 8,77%), giảm khu vực nông thôn (405,3 ngàn người, giảm 1,78%). Điều này là tín hiệu cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đang có những bước hồi phục tích cực, các doanh nghiệp đã dần vượt qua khó khăn, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 13.700 lao động, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 81% kế hoạch năm 2024. Trong đó, giải quyết việc làm trong nước cho 13.178 người, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023; tạo việc làm mới cho 2.784 lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản; 6.478 lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 3.916 lao động lĩnh vực thương mại - dịch vụ; đưa 522 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, an sinh xã hội

Các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc tiếp tục được thực hiện tốt; các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người yếu thế được quan tâm, hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, tạo điều kiện được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chương trình gặp mặt, trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc. 
Chương trình gặp mặt, trao tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Sở LĐTB&XH Vĩnh Phúc. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã chi 44 tỷ 802,1 triệu đồng hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, trợ cấp hàng tháng 7 tỷ 953,8 triệu đồng, trợ cấp đột xuất 36 tỷ 848,3 triệu đồng, thực hiện cấp phát miễn phí 292.207 thẻ bảo hiểm y tế.

Về kết quả cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tính đến đầu tháng 6/2024, số đối tượng hiện đang được tiếp cận nguồn vốn là 108.673 khách hàng với tổng số dư nợ 4.529.636,9 triệu đồng. Trong đó, đối tượng hộ nghèo hiện được vay vốn là 2.866 hộ, số dư nợ 201.347,23 triệu đồng; cho vay đối với hộ cận nghèo là 5.373 hộ, số dư nợ 388.127,61 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chính sách đối với người có công và thân nhân được thực hiện đầy đủ. Hiện nay, số đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên địa bàn tỉnh là 17.263 người.

Trong kỳ đã có gần 1.200 người được đi điều dưỡng tập trung; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới 30 căn nhà, tu bổ tôn tạo 7 nghĩa trang liệt sỹ và cấp cho người có công 80 sổ tiết kiệm.

Số tiền trợ cấp trong 6 tháng đầu năm 2024 cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng là 282.867 triệu đồng; trong đó trợ cấp hàng tháng 239.069,5 triệu đồng, trợ cấp đột xuất 43.797,5 triệu đồng.

Công tác đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chất lượng đào tạo nghề ngày được nâng lên, chú trọng đào tạo các ngành nghề chất lượng cao, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo.

Tính đến đầu tháng 6/2024, tổng số tuyển mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 7.751 người, đạt 34,4% kế hoạch năm 2024. Trong đó, trình độ cao đẳng 283 người, trung cấp 731 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 6.737 người. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và công tác tuyển sinh theo đơn đặt hàng đào tạo nghề được tỉnh triển khai và thực hiện có hiệu quả.