Phiên giao dịch ngày 9/10, trước một lực bán ra mạnh mẽ của nhà đầu tư, sức hấp thụ của thị trường đuối theo khiến cả hai chỉ số chính chỉ giữ được mức tăng nhẹ.
Bên sàn HoSE, nhờ dòng tiền đổ vào các mã đầu cơ nên VN-Index đóng cửa đợt 1 tăng nhẹ 0,92 điểm, lên 394,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 1,9 triệu đơn vị, tương ứng 15,7 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Bước sang đợt giao dịch liên tục, mặc dù sắc xanh tiếp tục được duy trì, nhưng giao dịch sôi động chỉ tập trung vào một số mã nhất định khiến VN-Index khó lòng bứt phá.
HSX khớp lệnh giảm nhẹ gần 8% so với hôm qua, đạt 268,8 tỷ đồng. Tuy nhiên mức giảm này được bù đắp ở HNX với 141 tỷ đồng, tăng tới 29%. VN-Index đang tăng 0,26%, VN30-Index tăng 0,4%, HNX-Index tăng 0,49% và HNX30-Index tăng 0,94%.
Cổ phiếu dẫn đầu về giá trị giao dịch ở HSX là SSI. Mặc dù so với sáng hôm qua, SSI giao dịch kém hơn nhưng hiện cũng đạt 15,7 tỷ đồng, giá tăng 1,82%. SSI đang có thông tin hỗ trợ liên quan đến cổ tức.
Tại HNX, thanh khoản dẫn đầu thuộc về ACB với 23,5 tỷ đồng, nhưng giao dịch thu hút chú ý là PVX. Cổ phiếu này chỉ đứng thứ 4 về thanh khoản với 12,8 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là do người bán đã dừng bán. PVX hiện đang được chặn mua trần 1,33 triệu cổ phiếu, tương đương lượng vốn 6,1 tỷ đồng. Trong 1 giờ giao dịch cuối cùng của phiên sáng, PVX gần như mất thanh khoản hoàn toàn.
Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,06%) lên 393,67 điểm. Thanh khoản đạt 38,7 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 599,5 tỷ đồng.
Dẫn đầu về giao dịch là SAM với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tiếp đến là ITA và PVF với gần 1,8 triệu đơn vị ở mỗi mã, còn SSI cũng vượt 1,5 triệu đơn vị.
Hôm nay, giao dịch thỏa thuận tại HoSE đạt 3,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị là 156,44 tỷ đồng, trong đó VIC có gần 1,2 triệu đơn vị, ngoài ra DSN cũng có 890 nghìn đơn vị thỏa thuận.
Nhóm VN30 có 15 mã giảm giá, 11 mã tăng giá và 4 mã đi ngang. Chỉ số VN30 đóng cửa giảm 0,17 điểm (-0,04%), xuống 460,09 điểm. Thanh khoản đạt 14,1 triệu đơng vị, giá trị tương ứng 241,6 tỷ đồng.
Một điểm chung của hai sàn, là mức độ điều chỉnh của nhóm cổ phiếu lớn nhẹ hơn phần còn lại và ảnh hưởng kéo chỉ số cũng xuất phát từ đây. Hai chỉ số cục bộ của nhóm cổ phiếu lớn ở hai sàn đều có mức tăng khá hơn chỉ số chính.
Bên phía sàn Hà Nội, nhờ lực cầu trở lại vào cuối phiên đã giúp HNX-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,22 điểm (+0,4%) lên 55,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 32,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 232,7 tỷ đồng.
Ngược lại, HNX30 phụ thuộc quá nhiều vào biến động so le giữa ACB và PVS, KLS. ACB chỉ bắt đầu tăng giá từ sau 11h, trong khi quá trình điều chỉnh ở sàn này diễn ra khá rõ rệt từ lúc 10h và kéo dài khoảng 30 phút. HNX-Index giảm nhẹ 0,52% so với đỉnh cao nhất và HNX30-Index điều chỉnh tới 0,92% trong cùng thời gian.
Chỉ số HNX 30 đóng cửa tăng 0,06 điểm (-0,06%), lên 103,42 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 21,7 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 175 tỷ đồng.
Chỉ số UpCoM-Index đóng cửa giảm 0,02 điểm (-0,05%) xuống 39,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 202,1 nghìn đơn vị, tương ứng giá trị là 1,3 tỷ đồng, trong đó khối ngoại mua vào 3,8 nghìn đơn vị, tương ứng 53 triệu đồng.
Giao dịch lình xình và chỉ tăng nhẹ thể hiện quá trình chững giá ở nhóm cổ phiếu lớn. Số mã kịch trần sáng nay vẫn nhiều với 31 mã ở HNX và 43 mã ở HSX nhưng đều thuộc các cổ phiếu nhỏ.