KTĐT - Trong lúc chồng chị Phượng khốn khó nhất, một phụ nữ đã đứng ra giúp vốn để anh qua được cảnh túng bấn. Trong thời gian này, anh cũng vô tình phát hiện vợ có quỹ riêng. “Bà coi của nả nặng hơn cả tình vợ chồng, thôi đã vậy thì căn nhà này bà giữ để nuôi con”. Anh nói rồi bỏ nhà đi, mặc cho chị níu kéo, năn nỉ khóc lóc…
Trong cuộc sống vợ chồng, tuy không bị “tấn công” từ người bạn đời nhưng không ít ông chồng, bà vợ vẫn “thủ” nhằm tránh những bất trắc.
“Bệnh thủ”
Sống với nhau đầu ấp tay gối, gần như không có chuyện gì là không kể cho nhau nghe, nhưng chị Ngọc Phượng vẫn lén “ém” của riêng. Chị giải thích: “Tôi rất yêu chồng, nhưng vẫn thủ để phòng khi anh ấy có người khác! Ít ra, sau khi chia tay, mình vẫn có cuộc sống riêng đầy đủ, ổn định”.
Để có thêm tiền, chị Phượng chạy đôn chạy đáo, tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối để làm thêm. Chị thường xuyên nói dối chồng khi thì họp cơ quan về trễ nhờ anh nấu cơm giùm, khi thì đi công tác… Tiền mình làm ra chị cất, còn anh hở món tiền nào ra là chị tìm mọi cách “tận thu”, đến khi anh rỗng túi chị mới yên tâm. Anh làm ăn thất bát do nguyên liệu, vật liệu lên giá quá nhanh. Hợp đồng ký rồi phải thực hiện nên cần thêm vốn, anh hỏi tiền chị. Chị trả lời lạnh lùng: “Không có”, mặc cho anh chạy vạy, mượn đầu nọ, vay đầu kia.
Hai vợ chồng chị Thu cùng nhau đi mua xe, sau khi xem xét vừa ý xong, anh kín đáo đi ra sân để vợ làm thủ tục giấy tờ. Bởi theo anh: “Từ ngày ký giấy đăng ký kết hôn thì tôi không biết đến một chút riêng tư! Tiền lương, thưởng, làm thêm đều nộp cho vợ. Mua nhà vợ đứng tên, đi mua xe vợ cũng đứng nốt. Tôi cứ như… bù nhìn. Chưa hết, tiền trong két vợ giữ mật mã. Tiền trong thẻ, vợ cũng giữ mật khẩu. Đàn ông có nhiều chuyện phải chi tiêu bên ngoài nhưng vợ là ngân hàng chỉ biết thu!”. Chị Thu cho rằng phải giữ của để nắm đằng chuôi chứ dại gì nắm đằng lưỡi. Đàn ông ham của lạ, thay vợ dễ như thay áo.
Không thủ về “của nả”, chị Mỹ Linh lại thủ về tình cảm. Chị tâm sự: “Chồng mình đẹp trai, lại làm nghề thường xuyên giao tiếp với phụ nữ. Cả ngày điện thoại hết “anh, em” với cô này lại “em, anh” với cô khác. Tôi ghen tím ruột bầm gan nhưng mặt lạnh như tiền, chồng tôi vô tư không biết mình đang sống cùng Hoạn Thư thời @”. Chị Linh chăm sóc sắc đẹp kỹ càng. Phần lớn tiền làm ra chị đổ vào quần áo, phấn son. Chị giao thiệp rộng và ngọt ngào với tất cả đàn ông, luôn trong tư thế “bật đèn xanh” để người khác phái hy vọng. Mọi nỗ lực của chị chỉ nhằm: Nếu ông ăn “chả” thì bà có ngay “nem” để cân bằng thế trận!
Chị Tuyết có hai con riêng trước khi về làm vợ anh Tân. Đứa con chung của anh chị giống cha như đúc. Anh thương thằng con trai hết mực và bắt đầu “xét nét” con riêng của vợ. Tiền làm ra anh chỉ tính đến việc lo cho thằng con trai của mình. Thấy chồng tính kỹ, chị Tuyết cũng tính. Chị dùng tiền riêng đi mua miếng đất để “phòng cơ” cho con riêng. Chị nói: “10 - 20 năm nữa, khi các con lớn, còn có chút của cho chúng lấy vợ, lấy chồng!”.
Thủ… công khai là vợ chồng chị Tiến. Sau khi chung sống với nhau được một năm, anh thấy chị “thâm lạm công quỹ” đem về nhà ngoại nhiều quá. Còn chị thấy anh dùng tiền để bao bạn bè không biết xót của. Thế là cả hai đi đến thỏa thuận: phân chia rõ ràng trong chi tiêu. Cụ thể, chồng chi tiền điện, tiền nước, quần áo… vợ chi tiền chợ. Sau khi làm xong nhiệm vụ thì của ai nấy xài.
Phần lớn đàn ông chỉ thủ khi vợ quản lý quá chặt. Nhiều phụ nữ một ngày chỉ phát cho chồng 100.000đ đến 200.000đ để đổ xăng, uống cà phê. Người vợ thường nghĩ số tiền này đã quá dư dả, trong khi đối với đàn ông thì “kinh phí” này rất eo hẹp, nhất là khi họ có khoản chi bất ngờ. Trường hợp anh Huấn, trong một lần họp mặt bạn bè, khi biết có người bạn bị tai nạn giao thông, cả nhóm đã đề nghị mỗi người đóng góp 500.000đ nhưng trong túi anh Huấn chỉ có 200.000đ, rất “quê độ”. Ý tưởng lập “quỹ đen” của anh được nhen nhóm từ đó.
Đổ bể
Trong lúc chồng chị Phượng khốn khó nhất, một phụ nữ đã đứng ra giúp vốn để anh qua được cảnh túng bấn. Trong thời gian này, anh cũng vô tình phát hiện vợ có quỹ riêng. “Bà coi của nả nặng hơn cả tình vợ chồng, thôi đã vậy thì căn nhà này bà giữ để nuôi con”. Anh nói rồi bỏ nhà đi, mặc cho chị níu kéo, năn nỉ khóc lóc…
Còn vợ chồng chị Tiến, sau khi phân công rõ ràng, ai cũng có cảm giác mình làm tròn nhiệm vụ, nhưng không tròn trách nhiệm. Họ tách nhau ra lúc nào không biết, bên nhà anh anh lo, họ hàng nhà chị chị lo. Tình cảm vợ chồng ngày càng lạt lẽo. Cả hai đều nhận thấy không ổn, nhưng cũng không biết cách nào để làm lại từ đầu.
Anh Huấn bị vợ phát hiện có của riêng trong một lần chị lấy xe anh đi đón con, thấy xăng gần hết chị dừng đổ xăng. Mở cốp xe, chị tá hỏa khi thấy chiếc bóp “lạ” đầy tờ 500.000đ. Cơn giận tím tái, chị quay về định hỏi tội chồng, nhưng khi gặp anh chị lại nhỏ nhẹ: “Nói thật cho em biết, tiền em đưa anh xài có đủ không?”. Anh Huấn thú thật: “Đủ cũng đúng mà thiếu cũng đúng”. Nói rồi anh kể một loạt những tình huống mà anh là nạn nhân, từ chuyện hùn tiền giúp bạn đến chuyện bạn bè từ hồi phổ thông gặp nhau mà không dám đi “chén chú chén anh” vì trong túi chỉ có một - hai trăm ngàn. Nghe chồng kể chuyện, chị nói: “Em nắm tay hòm chìa khóa chỉ để gia đình không rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau chứ không phải để chồng khốn khổ. Lẽ ra những chuyện này anh phải nói với em ngay, để cùng tìm cách giải quyết. Dễ lắm. Em mở cho anh tài khoản, khi cần anh chạy ra rút”. Thấy vợ đề nghị hợp lý, anh mở cốp nộp luôn “quỹ đen”. Gia đình qua một phen sóng gió.
Niềm tin trong đời sống vợ chồng là điều vô cùng quan trọng. Đó cũng là liều thuốc trị “bệnh thủ” hữu hiệu nhất.