Kinhtedothi - Vừa qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố, cặp vợ chồng gây ra vụ xả súng khiến 14 người chết ở Mỹ cách đây ít hôm là “môn đệ” của nhóm này. Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nói vụ tấn công là một “hành động khủng bố”.
Nếu các thông tin này là chính xác, vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng xảy ra ở một trung tâm xã hội cho người khuyết tật tại San Bernadino, Mỹ sẽ là vụ tấn công liên quan đến lực lượng Hồi giáo cực đoan tồi tệ nhất kể từ sau vụ 11/9/2001.
Bất chấp các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của IS ngày càng mở rộng với sự tham gia gần đây nhất của Anh và Đức, “vòi bạch tuộc” của nhóm tội ác này vẫn vươn dài, đe dọa đến cuộc sống yên bình của toàn thế giới.
Ngoài vụ xả súng tại San Bernadino, vài ngày sau đó, các nước khác cũng phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Ngày 6/12, cảnh sát Anh đã bắt giữ một đối tượng dùng dao tấn công 3 người tại một ga tàu điện ngầm ở phía Đông thủ đô London và cho biết vụ tấn công này được coi là hành động khủng bố. Vụ tấn công này diễn ra một tuần sau khi Quốc hội Anh bỏ phiếu cho phép quân đội nước này tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria.
Còn tại khu vực châu Á, cả Thái Lan và Malaysia đều được đặt trong tình trạng báo động bởi đe dọa tấn công của IS. Ngày 5/12, cảnh sát Malaysia tuyên bố, nước này đang đặt trong tình trạng báo động cao sau khi nhận được thông tin rằng chiến binh IS đang có kế hoạch tấn công Thái Lan.
Vụ việc tồi tệ xảy ra tại San Bernadino đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải cập nhật chiến lược chống khủng bố của mình vào tối Chủ nhật (6/12). Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp toàn liên bang, ông Obama tái khẳng định, tổ chức IS là mối đe dọa với an ninh của nước Mỹ và công bố các biện pháp đối phó với chủ nghĩa khủng bố, nhằm thực hiện cam kết là đảm bảo an toàn cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khả năng một làn sóng “chống đạo Hồi” sẽ xuất hiện, khiến các mối bất hòa, chia rẽ - nguyên nhân chính của các cuộc tấn công sẽ bùng phát.
Theo thông tin từ tờ The Guardian (Anh), một trong những nạn nhân của vụ xả súng tại Mỹ đã từng tranh luận gay gắt với Farook - một trong 2 kẻ xả súng về đạo Hồi và từng có một số bài viết với từ ngữ xúc phạm tôn giáo này.
Tệ hơn, Chủ tịch của Đại học Liberty kêu gọi sinh viên, nhân viên và giảng viên tại trường mang vũ khí để chống lại bất kỳ cuộc tấn công vũ trang có thể gặp phải như vụ xả súng tại San Bernadino. Đồng thời còn kêu gọi “kết thúc những người Hồi giáo trước khi họ bước vào”. Mặc dù sau đó, vị Chủ tịch này đã đính chính rằng, chỉ đề cập đến những kẻ đã thực hiện vụ xả súng nhưng lời nói của ông đã gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc kêu gọi dùng bạo lực để chống lại bạo lực cũng thể hiện phần nào sự bất lực trước mối đe dọa khủng bố.
Người thân của các nạn nhân đau đớn khi nghe tin vụ xả súng tại San Bernadino.
|