Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn đọng do chậm giải ngân

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành tài chính ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đến tháng 6, tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới đạt 29,5% dự toán là quá thấp, tác động tiêu cực tới sản xuất, thu ngân sách và cả thu nhập của người lao động.

Giải ngân đầu tư công đạt thấp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp so với yêu cầu, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách mới đạt 29,5% dự toán (xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2016). Thậm chí, với vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch mới giao được 10,4% dự toán nhưng hiện mới chỉ đạt khoảng 1,8%. Mức giải ngân này là kém xa 6 tháng năm 2016 (đạt 21,8% dự toán). Nguyên nhân chủ yếu được lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lên là do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn. Đến hết tháng 4/2017, mới giao kế hoạch vốn đợt 2.

Chậm giải ngân, xây dựng chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân tồn đọng vốn. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng số vốn đã phân bổ đạt 99,65% kế hoạch, trong đó vốn nước ngoài đạt 98,8% kế hoạch. Vẫn còn 3,6 nghìn tỷ đồng chưa giao theo kế hoạch. Một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... Ngoài ra, nguyên nhân khác được Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải tổng kết là một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu...

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, việc quyết định bố trí vốn năm 2017 tiến hành muộn nên khó giải ngân. Ông Hồ Kỳ Minh khẳng định, tới ngày 28/4, Bộ KH&ĐT mới có quyết định giao vốn cho TP.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số vấn đề mấu chốt mà ngành tài chính cần quan tâm xử lý trong 6 tháng cuối năm. Đó là giải ngân đầu tư công còn quá chậm, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nướcđạt thấp và hiệu quả hoạt động của DN chưa cao…

Nói về vấn đề giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá đây là một trong những điểm yếu then chốt của cơ quan chức năng và có tác động tiêu cực tới sản xuất, thu ngân sách và cả thu nhập của người lao động. Theo Phó Thủ tướng, nếu tính cả vốn năm trước chuyển sang năm nay hiện đang có khoảng 300.000 tỷ đồng tồn lại. “Nền kinh tế thậm chí có thể có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng. Con số này là lớn bởi GDP từ đầu năm tới nay cũng chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng. Bộ KH&ĐT có trách nhiệm chính, Bộ Tài chính cũng có một phần trách nhiệm ở đây” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa mà Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần quan tâm trong công tác thu ngân sách là tình hình DN vẫn còn khó khăn, số lượng DN ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng bất thường trong 6 tháng đầu năm. Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều DN vốn mỏng, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay. Vì vậy, Bộ Tài chính cần quan tâm hỗ trợ DN một cách thực chất, đồng thời, tăng cảnh báo với các rủi ro của DN trong thu ngân sách.

Thừa nhận ngành tài chính có một phần trách nhiệm trong phối hợp giải ngân vốn, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, muốn giải ngân thì trước hết phải giao được vốn. Sau khi giao vốn, các đơn vị còn một loạt khâu phải thực hiện như đấu thầu, chọn nhà thầu, xây dựng rồi mới thanh toán vốn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngành tài chính cam kết, nếu các đơn vị đủ hồ sơ thì việc giải ngân chỉ trong một ngày. Riêng với giải ngân vốn từ trái phiếu Chính phủ, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. 

Đến hết tháng 6/2017, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016.