Nhờ sự hỗ trợ của vốn ngân hàng, hàng ngàn hộ gia đình trên địa bàn huyện Gia Lâm đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Vươn lên từ hai bàn tay trắng
Nhìn ngôi nhà 5 tầng với tổng diện tích hơn 200m2 cùng trang trại thẳng cánh cò bay của gia đình anh Chử Văn Mộc (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội), khó ai có thể nghĩ, vợ chồng anh đã xây dựng nên cơ ngơi này từ hai bàn tay trắng. Từ 2 triệu đồng vay Phòng giao dịch Agribank Đa Tốn (Gia Lâm) năm 1998 để chăn nuôi nhỏ, đến nay, anh Mộc đã xây dựng được mô hình trang trại hơn 34.000m2 với hệ thống chăn nuôi được đầu tư bài bản. Năm 2014, anh được ngân hàng xét duyệt cho vay 500 triệu đồng lãi suất 8% để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện, gia đình anh đang có hơn 500 đầu lợn, gà, hàng ngàn gốc nhãn cùng khu ao cá được quy hoạch lại từ vùng ruộng chiêm trũng. "Tôi là khách hàng có "thâm niên" của Agribank 20 năm nay. Từ những món vay nhỏ để mua lợn, gà giống đến những món vay lớn đầu tư buôn bán phân bón, thức ăn chăn nuôi và mở rộng chuồng trại, vốn ngân hàng đã hỗ trợ gia đình tôi rất nhiều trong việc lập thân, lập nghiệp" - anh Mộc chia sẻ.
Cũng phát triển vườn - ao - chuồng quy mô lớn, anh Nguyễn Công Thành (xã Dương Quang, Gia Lâm) lại là một tấm gương làm giàu của người trẻ. Sinh năm 1983, trước đây, gia đình anh chỉ làm ăn nhỏ lẻ bằng việc nuôi mấy con trâu rồi đào ao nhỏ nuôi cá, chăn vịt. Năm 2014, được sự tư vấn của cán bộ Phòng giao dịch Agribank Phú Thị, anh Thành đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Với 500 triệu đồng, lãi suất 8%/năm vay từ Agribank, anh Thành đầu tư cải tạo triền ruộng trũng ven sông làm thành trang trại nuôi cá. Với mô hình này, dự kiến, sau khi trừ chi phí, anh có thể thu lãi được từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu từ nguồn vốn của Agribank - Chi nhánh Gia Lâm. Tính đến hết tháng 5, dư nợ tại Chi nhánh này đạt 1.187 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 90% tổng dư nợ. Phòng giao dịch Đa Tốn, Yên Viên, Ninh Hiệp, Phú Thị… là các phòng giao dịch có dư nợ lớn về nông nghiệp, nông thôn. Điển hình, tại Phòng giao dịch Đa Tốn, 100% dư nợ là cho vay nông nghiệp nông thôn. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp cho người dân mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng đời sống; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Vốn huy động tăng, nợ xấu thấp
Những ngày cuối tháng 6, tại Chi nhánh Agribank Gia Lâm, khách hàng tấp nập ra vào gửi tiền và thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng chịu sự cạnh tranh khốc liệt thì vốn huy động tại Agribank Gia Lâm vẫn đạt mức cao. Đến tháng 5, nguồn vốn huy động của Agribank Gia Lâm đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 90% là nguồn vốn huy động từ dân cư. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây có năng suất cao và hiệu quả cao hơn, hệ thống chuồng trại, ao cá cũng được đầu tư bài bản hơn.
Đáng chú ý, nợ xấu tại Agribank Gia Lâm ở mức rất thấp, có những địa bàn gần như không có nợ xấu. Nợ xấu tại Chi nhánh Gia Lâm đến tháng 5/2014 chỉ chiếm từ 0,1 - 0,2%. Ông Vũ Nguyên Hồng - Giám đốc Agribank Đa Tốn cho biết, cán bộ tín dụng tại các phòng giao dịch gần như nằm vùng với dân, hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong thực hiện các phương án trả nợ. Tại xã Văn Đức, hơn 200 hộ dân đã được vay vốn từ Agribank và chưa có hộ nào nợ quá hạn.
Những số liệu trên đã chứng minh vì sao trong khi nhiều ngân hàng vẫn bị ám ảnh vì nợ xấu thì vốn dành cho nông nghiệp, nông thôn (lĩnh vực được đánh giá có rủi ro cao do thời tiết, bệnh dịch, giá cả thức ăn, phân bón…) vẫn ở mức rất thấp.
Anh Chử Văn Mộc thoát nghèo từ vốn vay chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Agribank. Ảnh: Hà Lâm
|