Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

Vốn tín dụng chính sách góp phần vào mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chủ trì hội nghị. Sự kiện được kết nối trực tuyến với các tỉnh, TP trên cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, cùng đại diện các Sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự Hội nghị.

Gần 6,5 triệu hộ được vay vốn

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, thời gian qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhưng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.
 

Trải qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Qua đó góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Hiện nay, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Điểm cầu Hà Nội.
Điểm cầu Hà Nội.

Tại Hà Nội, tính đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại NHCSXH TP là 12.499 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn địa phương ủy thác qua NHCSXH là 6.397 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 51% trên tổng nguồn vốn, bao gồm ngân sách địa phương ủy thác là 6.382 tỷ đồng, Mặt trận Tổ quốc các cấp ủy thác là 15 tỷ đồng. Trong 20 năm qua, bình quân mỗi năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH TP được bổ sung là 319 tỷ đồng, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm được bổ sung là 1.145 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trong 20 năm qua đã góp phần thu hút, tạo việc làm cho 636.000 lao động, hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 11.375 hộ nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới luôn là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt được TP Hà Nội quan tâm đặc biệt. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong quá trình thực hiện đổi mới, xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ được coi là một giải pháp hết sức hiệu quả và thiết thực.

Đại diện cho các hộ đang vay vốn ưu đãi, bà Ngô Thị Lan, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cho biết: Gia đình bà được vay vốn hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng được NHCSXH cho vay vốn tín dụng học sinh – sinh viên cho 2 con gái và 1 con trai học đại học và cao đẳng. Học xong, các cháu ra trường đều có công việc và thu nhập ổn định.

“Thay mặt gia đình tôi xin được cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền và ban ngành đoàn thể tại địa phương và đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn để vươn lên trong cuộc sống” - bà Lan xúc động nói.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Tiếp tục huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vay vốn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã được tổ chức thực hiện thành công, trên toàn quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Phó Thủ tướng cho rằng, mô hình tổ chức NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, giúp hệ thống phát triển bền vững. Qua hội nghị này, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương quan tâm ủy thác cho NHCSXH để cùng chung tay chăm lo vấn đề an sinh xã hội.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, DN và Nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm” đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và NHCSXH tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn. Tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo.