Tuy không phải là Thủ đô nhưng Istanbul được coi là trái tim của Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ đánh bom này nhằm trực diện vào du khách nước ngoài, vào ngành du lịch và qua đó vào một trong những mắt xích kinh tế trọng yếu nhất và thể diện của Thổ Nhĩ Kỳ. Những biện pháp trừng phạt của Moscow từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga đã và vẫn đang làm cho nước này thiệt hại nặng nề về kinh tế. Không có du khách Nga, giờ lại thêm du khách nước ngoài khác nữa vắng bóng vì lo ngại an ninh, ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng.
Bị đánh bom khủng bố như thế mà thủ phạm theo sự vạch mặt chỉ tên của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Chính phủ nước này không chỉ bị mất mặt vì không ngăn ngừa được khủng bố và đảm bảo an ninh, mà còn bị đẩy vào tình thế buộc phải chính thức tuyên chiến với IS chứ không còn có thể tiếp tục dung túng và lợi dụng IS như trước. Do đại đa số nạn nhân của vụ đánh bom là công dân Đức nên nước Đức giờ dẫu có muốn hay không thì cũng buộc phải dấn thân nhiều hơn và can dự trực tiếp sâu hơn vào cuộc chiến chống IS, cũng như mọi vấn đề xã hội nội bộ của nước Đức trở nên phức tạp hơn, sôi động hơn và nan giải hơn.
Cả Đức lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều phải định hình lại quan hệ của mình với các đối tác khác, bởi đều phải dành ưu tiên chính sách cao hơn trước cho cuộc chống IS và chống khủng bố. Cho nên cả hai và cả những nước phương Tây khác rồi đây sớm hay muộn cũng phải xem xét lại quan hệ của họ với Nga và Chính phủ ở Syria để phục vụ cho chính ưu tiên nói trên, dẫu không thích và không muốn.
Các lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường. Ảnh: Independent
|