Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ hoa sau Tết: Cung dồi dào, giá giảm mạnh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ hoa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, nhiều nông dân trồng hoa trên địa bàn Hà Nội rơi vào cảnh thất thu do thời tiết lạnh kéo dài. Chính vì vậy, dịp lễ hội đang diễn ra được xem là dịp để người trồng hoa thu hồi vốn đầu tư.

Tiêu thụ dễ nhưng không được giá
Thời điểm này, những cánh đồng hoa tại huyện Mê Linh, hay phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) phủ lên mình tấm áo rực rỡ sắc màu. Nếu như thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, hoa ly được xem là chủ đạo về nguồn thu kinh tế, thì thời điểm ra Giêng, hoa cúc được bà con tập trung chăm sóc.
 Nông dân phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm chăm sóc hoa cúc sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Trọng Tùng
Chị Đỗ Thị Tuyết, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) vừa nhanh tay thu hái những cành hoa cúc vàng ruộm, vừa chia sẻ: Tháng Giêng là mùa lễ hội nên sức tiêu thụ hoa cúc rất lớn. Tuy nhiên, giá hoa cúc lại giảm khá mạnh so với thời điểm Tết. "Nếu như dịp Tết, giá hoa cúc bán buôn trung bình khoảng 5.000 đồng/bông, thì nay chỉ còn từ 1.000 - 1.500 đồng/bông" - chị Tuyết cho hay. Nhiều nông dân tại phường Tây Tựu cũng khẩn trương thu hoạch những diện tích hoa cúc trồng trước Tết. “Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết ấm áp nên hoa cúc được mùa. Tuy nhiên, giá bán chỉ được bằng 1/3 dịp Tết” - chị Chu Thị Thương, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) nói.

Cùng với hoa cúc, hoa hồng cũng được tiêu thụ khá nhiều trong những ngày sau Tết nhưng giá bán cũng giảm. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người trồng hoa, giá hoa hồng những ngày cận dịp lễ mùng 8/3 (Ngày Quốc tế Phụ nữ) sẽ tăng mạnh, dù nguồn cung về hoa được cho là vẫn tương đối dồi dào.

Hoa xuất ngoại phụ thuộc tiểu thương

Trong những năm gần đây, sản phẩm hoa của Hà Nội không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường trong nước mà còn từng bước được xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chủ yếu nhập khẩu hoa cúc các loại nhằm phục vụ cho Tết Thanh Minh - một trong những lễ hội lớn và quan trọng nhất của quốc gia này.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một trong những hộ dân có mối hàng hoa xuất đi Trung Quốc cho biết: Hàng năm cứ vào Tết Thanh Minh, thương lái khắp nơi lại đổ xô đi mua hoa cúc để xuất bán sang Trung Quốc. Nắm bắt được nhu cầu đó, những năm gần đây, gia đình chị luôn dành khoảng 2 sào hoa cúc vụ sau Tết để xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc thu mua, xuất bán hoa sang thị trường Trung Quốc hoàn toàn tự phát và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo chia sẻ của nhiều người trồng hoa, việc tiêu thụ hoa thông qua thương lái để xuất sang Trung Quốc giúp tiêu thụ nhanh gọn số lượng hoa mà không cần tốn nhiều công sức trực tiếp mang đi bán tại các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, do thương lái thu mua hoa theo nhu cầu nên khi cần họ có thể trả giá rất cao. Ngược lại, khi lượng hàng dư thừa, thương lái ngừng thu mua hoặc ép giá hoa xuống rất thấp. Điều này cũng cho thấy, việc quản lý sản xuất, kinh doanh hoa nói riêng, nông sản nói chung thiếu chuyên nghiệp đang tác động rất lớn tới nguồn thu cho người nông dân.

Hoa ly rớt giá thảm hại

Theo khảo sát, giá một cành hoa ly mua buôn tại ruộng ở huyện Mê Linh hay phường Tây Tựu hiện chưa tới... 10.000 đồng/cành. Nguyên nhân được nhận định là do thời tiết lạnh kéo dài dịp cận Tết khiến hoa không kịp nở để “ăn” đúng dịp. Nhiều hộ trồng hoa ly đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng.

“Gia đình tôi đang phải bảo quản hơn 1.000 cành ly trong kho lạnh, chờ thời điểm hoa tăng giá mới bán. Nếu bán ra thị trường bây giờ, vốn đầu tư cũng không thu lại được” - anh Nguyễn Văn Hùng, một hộ trồng hoa phường Tây Tựu nói. Tính đến nay, gia đình anh đã thua lỗ gần 100 triệu đồng từ loại hoa này.