Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vụ Khaisilk ảnh hưởng lớn đến làng nghề Việt

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Làng nghề truyền thống, nhất là nghề dệt đang chịu ảnh hưởng lớn sau vụ gian lận của Khaisilk.

Làng nghề truyền thống đang bị lép vế và liệu có tồn tại được hay không?” là những băn khoăn của Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần tại buổi họp báo ra “Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 – CraftViet 2017” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 31/10.
 Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ phát biểu tại buổi họp báo.
Theo ông Lưu Duy Dần, nghề sản xuất tơ sợi của Việt Nam hiện đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhất là các tỉnh phía Bắc khi nghề trồng dâu nuôi tằm hiện đã không còn phát triển. Trên thực tế, nhiều làng nghề đã bị mai một và biến mất, ngoài làng nghề dệt còn có một số làng nghề khác như tranh Đông Hồ… “Làng nghề nón Chuông (Thanh Oai), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ - Hà Nội) tồn tại như thế nào cũng đang là vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay?” – ông Dần chia sẻ.
Nói về vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc nhưng lại dán nhãn “made in Vietnam”, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng đây là một sự việc đáng buồn và ảnh hưởng lớn đến sản phẩm làng nghề truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn Khaisilk lại là một DN lớn, có thương hiệu lâu năm trên thị trường. Ngoài sản phẩm lụa, ông Dần lấy ví dụ về sản phẩm gốm sứ. “Mấy năm trước, ở làng nghề gốm Bát Tràng có 3 hộ kinh doanh bán gốm Giang Tây (Trung Quốc), chúng tôi phải yêu cầu ghi rõ là sản phẩm gốm Giang Tây để tránh bị lẫn lộn với gốm truyền thống của Bát Tràng” – ông Dần cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ cũng nhận định, vụ việc gian lận thương mại tại cửa hàng của Khaisill vừa rồi là lời cảnh tỉnh cho các làng nghề, nghệ nhân trong việc đảm bảo chất lượng và thương hiệu sản phẩm làng nghề hiện nay. Để đảm bảo xuất xứ sản phẩm tham gia trưng bày tại Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017, tránh gian lận thương mại như vụ việc khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk, ông Hồ cho biết, Ban Tổ chức yêu cầu các DN có gian hàng phải cam kết chất lượng sản phẩm và bán đúng sản phẩm của làng nghề. Đồng thời sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng các sản phẩm tại hội chợ.
Theo Ban tổ chức, Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 sẽ diễn ra từ 9 – 13/10 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Hội chợ dự kiến có khoảng 250 gian hàng đến từ 24 tỉnh, TP trên cả nước, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, đặc sắc của các địa phương như gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, dệt thổ cẩm, tranh Đông Hồ….Thông qua hội chợ nhằm thu hút đầu tư mở rộng quy mô các sản phẩm làng nghề, khuyến khích phát huy tiềm năng văn hóa du lịch và ngành nghề nông thôn; khôi phục và phát triển nghề, phát huy bản sắc dân tộc theo chủ trương phát triển nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm làng nghề thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia tăng.
Hội chợ cũng có nhiều gian hàng thao diễn nghề tiêu biểu do nghệ nhân làng nghề trình diễn giới thiệu đến khách tham quan, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công và các cơ sở sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, tinh hoa văn hóa làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Trong khuôn khổ hội chợ còn có hội thảo “Phát triển du lịch Làng nghề Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”; hội nghị “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã và làng nghề”.