Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Vũ khí" của Qatar khiến các nước chưa dám "làm căng"

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qatar có sản lượng dầu rất nhỏ so với các nước láng giềng OPEC nhưng lại giữ nguồn cung dầu nhẹ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) quan trọng.

Sản lượng dầu của Qatar chỉ ở mức 618.000 thùng/ngày nhưng quốc gia này có sản lượng dầu nhẹ và LNG lên tới 1,3 triệu thùng/ngày. Đây chính là “quyền lực” của Qatar, khiến các nước vùng Vịnh dù muốn cũng không dám có động thái “quá tay” với chính quyền Doha.
 Qatar nắm giữ lượng dầu nhẹ và LNG quan trọng trong khu vực.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Qatar sẽ không bị ảnh hưởng dù Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã cắt đứt các tuyến giao thông trên biển với nước này. Các tàu chở dầu của Qatar vẫn có thể đi qua vùng biển của Iran, sau đó đi qua eo biển Hormuz qua lãnh thổ Oman - thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đến nay vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Doha.
Vì vậy, tạm thời căng thẳng ngoại giao khu vực vùng Vịnh chưa có tác động lớn đến nguồn cung dầu mỏ trên thế giới. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, nguồn cung năng lượng quan trọng sẽ bị ảnh hưởng là LNG do Qatar xuất khẩu. Và một trong những khách hàng lớn của Qatar lại chính là UAE. Hiện, 1/4 nguồn năng lượng tiêu thụ của UAE đến từ lượng LNG của Qatar qua đường ống Dolphin với hơn 2 tỷ foot khối khí mỗi ngày.
Trong bối cảnh bắt đầu vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao khiến nhu cầu sử dụng năng lượng để chạy thiết bị điều hòa không khí tăng mạnh, lượng LNG nhập khẩu dự phòng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở UAE nếu đường ống Dolphin bị cắt đứt.
Tình huống xấu nhất, UAE sẽ phải có giải pháp tạm thời như tăng sản lượng khai thác khí, tái phân bổ nguồn cung nhiên liệu cho các lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, việc này sẽ “ngốn” một lượng lớn dầu diesel với chi phí khá cao để làm nhiên liệu thay thế. Điều này cho thấy, UAE có khá ít lựa chọn tức thời để thay thế đường ống dẫn khí Dolphin. Và theo một nguồn tin giấu tên, đến nay, khí thiên nhiên từ Qatar vẫn tiếp tục được bơm bình thường sang UAE và chưa có dấu hiệu nguồn cung này sẽ bị ngắt.
Ngoài ra, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ cũng là khách hàng nhập khẩu LNG “thân thiết” của Qatar bấy lâu nay. Vì vậy, bất kỳ ý định phong tỏa tuyến đường xuất khẩu của Qatar chắc chắn sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các khách hàng châu Á của Doha. 
Nhiều nhà quan sát nhận định, mặc dù cắt nguồn cung LNG đang được xem là quân át chủ bài của Qatar trước sức ép đến từ các nước vùng Vịnh, nhưng Doha sẽ không mạo hiểm để sử dụng quân bài này. Bởi trong trường hợp bắt buộc phải cắt nguồn cung LNG thì điều này cũng gây thiệt hại về kinh tế cho chính Qatar.
Do vây, đến thời điểm này, vẫn chưa có mối đe dọa đáng kể nào đối với thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới. Nhưng trong trường hợp căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng tiếp tục kéo dài và bị đẩy lên một mức độ mới, các bên sẽ đều phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nguồn cung trầm trọng.