Trong đó chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế hệ thống bảo mật thông tin.
Nguy cơ cao lộ thông tin Đối với Vietnam Airlines, trong Kết luận thanh tra số 5367/KL-CHK ngày 17/11/2017, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã ban hành một số chương trình quản lý, giám sát người sử dụng máy tính, trong đó có việc quản lý quyền truy cập hệ thống đặt giữ chỗ, bán vé và làm thủ tục hành khách lên tàu bay nhưng vẫn chưa ngăn ngừa được triệt để tình trạng lộ thông tin hành khách.
|
Hành khách đi máy bay nghi ngờ thông tin cá nhân của mình bi tiết lộ, sử dụng trái phép (Ảnh: Lê Hiếu) |
Đối với hai hãng Vietjet Air và Jetstar Pacific, trong Kết luận thanh tra số 5366/KL-CHK và số 5368/KL-CHK ngày 17/11/2017 chỉ rõ, cả hai hãng hàng không này đều chưa có chương trình giám sát hoạt động của người sử dụng được cấp quyền truy cập hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé một cách hữu hiệu. Ngoài ra, trong một số máy tính của các nhân viên sử dụng hệ thống đặt chỗ cho khách ở cả ba hãng hàng không đều có cài đặt và sử dụng các phần mềm liên lạc như Viber, Zalo, Skype, thư điện tử và việc nhân viên được phép sử dụng các phần mềm này không bị giám sát sẽ có nguy cơ gia tăng khả năng lộ thông tin hành khách. Bên cạnh đó, hệ thống đặt, giữ chỗ, bán vé của Jetstar Pacific và Vietjet Air có thể trích xuất được danh sách khách hàng của cả chuyến bay với đầy đủ thông tin.
Quá trình thanh tra việc lộ thông tin hành khách tại ba hãng hàng không, đoàn thanh tra phát hiện hành khách đi tàu bay bằng vé miễn cước dành cho nội bộ vẫn nhận được tin nhắn của taxi. Chính đoàn thanh tra cũng nhận được tin nhắn của trung tâm môi giới taxi. “Điều này chứng tỏ thông tin hành khách đã bị lộ từ cán bộ, nhân viên, nhân viên phòng bán vé của các hãng hàng không hoặc nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay do chỉ có những đối tượng này xem được thông tin đặt chỗ”- Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Vẫn khó tránhTrao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện truyền thông Jetstar Pacific khẳng định, hiện nay, cả 3 hãng hàng không đều trang bị những phần mềm quản lý dữ liệu hành khách có tính bảo mật cao nhưng nguy cơ lộ thông tin hành khách vẫn khó tránh khỏi.
Theo kết luận thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ Vietnam Airlines có hệ thống giám sát hoạt động của người sử dụng được cấp quyền truy cập hệ thống đặt chỗ, giữ chỗ, bán vé. Hệ thống này có các giải pháp khá chặt chẽ để bảo mật thông tin hành khách đi máy bay. Tuy nhiên, theo phân tích của đại diện truyền thông Jetstar Pacific, kể cả khi trang bị hệ thống giám sát hiện đại vẫn không loại trừ hoàn toàn nguy cơ lộ thông tin khách hàng. Điều này cũng đã được nhắc đến trong kết luận thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam: “Chỉ cần lấy điện thoại chụp lại hoặc lấy giấy ghi lại thông tin khách hàng rồi nhắn ra ngoài. Cái đó chương trình giám sát không thể phát hiện được”.
Đại diện truyền thông của Jetstar Pacific cho rằng, cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa việc lộ thông tin khách hàng là tăng cường quản lý, giám sát về nhân viên của các hãng. Các hãng phải có biện pháp chấn chỉnh, quán triệt nhân viên kèm theo các chế tài xử phạt thật nghiêm để tăng tính răn đe. Đó mới là điều quan trọng nhất. Hiện tại, Jetstar đang tăng cường các biện pháp bảo mật để tránh nguy cơ rò rỉ thông tin hành khách.
Theo điểm B, Điều 226, Bộ luật Hình sự, người có hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó có thể bị phạt từ 10 – 100 triệu đồng hoặc có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư Hà Nội |