Đó là chia sẻ của các diễn giả tại buổi Tọa đàm chính sách Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ “Nước sạch sông Đà” do CLB Café Số tổ chức ngày 21/10.
Tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng - Chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, đây là sự cố rất nghiêm trọng nhưng phản ứng của Công ty Nước sạch Sông Đà đã phản ứng quá chậm. “Sau một thời gian dài mới lên tiếng. Như vậy có thể thấy, phản ứng với sức khỏe, sinh mệnh người dân là rất chậm” - ông Dũng chia sẻ.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay Nhà nước đang khuyến khích, huy động các nguồn lực tham gia phát triển các dịch vụ công. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về quản lý dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân như điện, nước… nên trong quá trình quản lý, vận hành tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo lý giải của ông Dũng, tư nhân luôn chạy theo lợi nhuận, cái gì thu được lợi nhuận thì họ mới nhảy vào. Song cũng chính vì lợi nhuận mà họ có thể bỏ qua những cái khác để thu lợi một cách nhanh nhất. Do đó, nếu đưa tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công như điện, nước… thì phải có sự quản lý của Nhà nước, phải áp đặt các chuẩn mực về quản lý chất lượng.
Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm của Viwasupco, ông Nguyễn Tiến Lập – chuyên gia Luật, Hội đồng khoa học Viện IPS nhận định, rất khó để xử lý được trách nhiệm của Công ty Viwasupco. Theo lý giải của ông Lập, để xử lý được cần phải xác định được vi phạm, người dân cho rằng, nước không đảm bảo, tuy nhiên, phía công ty lại cho rằng nước vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn? Người dân cho rằng nước có mùi khét, tuy nhiên trong hợp đồng cung cấp nước lại không có quy định nào về vấn đề này?
Bên cạnh đó, người dân phải chứng minh được những thiệt hại về sức khỏe, kinh tế do sự cố của Viwasupco gây ra, nhưng đây là một vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt là sức khỏe…
Trước câu hỏi, vậy phải chăng hàng ngàn người dân chịu ảnh hưởng của sự cố nước sông Đà sẽ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, ông Lập cho rằng, xét mặt khía cạnh Luật Dân sự thì rất khó, tuy nhiên, chúng ta có thể khởi kiện thông qua Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Nếu người dân tự khởi kiện Viwasupco thì phải cung cấp rất nhiều bằng chứng, giấy tờ… nhưng nếu thông qua Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, người dân sẽ không phải cung cấp những tài liệu đó, mà đơn vị bị khởi kiện phải có trách nhiệm trả lời vấn đề này.
Liên quan tới vấn đề này, chiều 21/10, Sở Y tế Hà Nội đã có thông tin kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch của Nhà máy nước Sông Đà. Theo đó, về kiểm tra chất lượng nước tại nhà máy, bể chứa, trạm điều tiết, đã lấy 4 mẫu nước của nhà máy vào ngày 20/10/2019 tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Yên Bình - Thạch Thất; Trạm điều tiết lưu lượng Tây Mỗ; tại Họng Kiểm soát 1.200 Big C. Kết quả: 4/4 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).
Về kiểm tra chất lượng nước tại hộ gia đình và khu chung cư, đã lấy 21 mẫu nước vào ngày 20/10/2019 tại chung cư, hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của Công ty Nước sạch Sông Đà thuộc các quận, huyện: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai. Kết quả: 21/21 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT.