KTĐT - Việc Vũ Thị Hương bảo vệ thành công danh hiệu VĐV tiêu biểu đang nắm giữ (2009) là điều đã được dự báo, khi có lợi thế thi đấu trên 2 đường đua khốc liệt nhất của điền kinh là 100, 200m.
Không nằm ngoài dự đoán, cuộc chạy đua giành danh hiệu VĐV tiêu biểu nhất năm 2010 chỉ gói gọn giữa 2 VĐV điền kinh Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng. Với 1213 điểm, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã vượt người đồng đội Thanh Hằng để giành ngôi vị quán quân.
Việc Vũ Thị Hương bảo vệ thành công danh hiệu VĐV tiêu biểu đang nắm giữ (2009) là điều đã được dự báo, khi có lợi thế thi đấu trên 2 đường đua khốc liệt nhất của điền kinh là 100, 200m. Nhưng chiến thắng mà Vũ Thị Hương giành được chẳng hề dễ dàng, khi người đồng đội Trương Thanh Hằng liên tục bám đuối sít sao ở các vòng kiểm phiếu tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Với tổng số điểm 1213 Vũ Thị Hương đã lần thứ 2 liên tiếp đoạt danh hiệu VĐV tiêu biểu. Trương Thanh Hằng giành ngôi Á quân với 1208 điểm (ít hơn chỉ 5 điểm). “Người hùng” Lê Bích Phương xếp thứ 3 với 1047 điểm, những vị trí tiếp theo trong top 5 VĐV hàng đầu lần lượt thuộc về Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông), Vũ Văn Huyện (Điền kinh).
Danh hiệu VĐV tiêu biểu năm 2010 là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Hương, sau suốt một năm dài phấn đấu không biết mệt mỏi. Là người “xuất trận” đầu tiên ở đội tuyển điền kinh, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương đã mang đến sự khởi đầu thuận lợi cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 16 khi vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành tấm HCĐ quý giá cự ly 100m với thành tích ấn tượng 11’’.43.
Sau bước đà thành công trên đường chạy 100m, Vũ Thị Hương tiếp tục tạo ra bất ngờ khi bước vào thi đấu nội dung 200m nữ. Với thành tích 23’’.74, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương xuất sắc giành HCB Á vận hội, mốc thành tích của Hương chỉ kém chút ít so với VĐV giành HCV người Nhật Bản, Fukushima Chisato (23 giây 62)
Kết thúc ASIAD 16, Vũ Thị Hương tiếp tục khiến giới chuyên môn ngỡ ngàng khi phá kỷ lục của chính mình ở nội dung 200m tại Đại hội TDTT 2010.Thành tích mới của Hương là 23”27 (KLQG cũ của Hương là 23”30), mức thành tích này thậm chí còn vượt xa thành tích tích 23”62 vừa giúp Fukushima Chisato (Nhật Bản) giành HCV nội dung 200m Á vận hội.
Chứng kiến “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương phá kỷ lục, nhiều người không giấu nổi tiếc nuối. Nếu Hương được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản hơn, rất có thể Vũ Thị Hương đã lập kỳ tích cao hơn tấm HCB trên đường chạy 200m tại Quảng Châu (Trung Quốc) vừa qua.
Trương Thanh Hằng đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam với 2 tấm HCB Á vận hội - Ảnh: Mạnh Hoàng
ASIAD 16 cũng là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thi đấu của Trương Thanh Hằng. “Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam đã xuất sắc giành tới 2 HCB Á vận hội cho đoàn thể thao Việt Nam ở đường chạy 1500, 800m nữ. Thành tích giúp Thanh Hằng giành HCB ở nội dung 1500m là 4’.09’’.58.
Còn mức thành tích nội dung sở trường 800m là 2’.0.09’’, qua đó phá kỷ lục của chính mình thiết lập tại SEA Games 2009. Thành tích này chỉ kém 0,62’’ so với VĐV đoạt Huy chương Vàng Matsko Margarita (Kazakhstan).
Ở lần đầu tham sự ASIAD, Lê Bích Phương đã tạo nên kỳ tích khi tiến thẳng vào trận chung kết hạng cân 55 kg nữ, trước khi xuất sắc đánh bại ĐKVĐ thế giới Kobayashi (Nhật Bản) để giành tấm HCV duy nhất cho đoàn TTVN tại ASIAD 16. Vị trí thứ 3 trong danh dách bầu chọn 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc là là bước đà tâm lý vững chắc để Bích Phương giành thêm nhiều thành công trong tương lai.
Vị trí thứ 3 bầu chọn là phần thưởng xứng dáng cho Lê Bích Phương - Ảnh: Mạnh Hoàng
Với thành tích từng lọt vào top 5 tay vợt hàng đầu thế giới năm 2010, Nguyễn Tiến Minh đã vượt qua nhiều ứng cử viên sáng giá để đứng ở vị trí thứ 4/10 VĐV tiêu biểu toàn quốc với số điểm 631. Dù Không thể giành được thành công như hai đồng nghiệp nữ, VĐV điền kinh Vũ Văn Huyện cũng thi đấu xuất sắc và giành tấm HCĐ nội dung 10 môn phối hợp nam, với tổng số điểm 7755, thành tích này đủ giúp Văn Huyện đứng ở vị trí thứ 5 với 582 điểm.
Những vị trí tiếp theo trong top 10 VĐV tiêu biểu được bầu chọn năm 2010 là Lê Quang Liêm (Cờ vua - 558 điểm), Thạch Kim Tuấn (Cử tạ - 331 điểm), Hà Minh Thành (Bắn súng - 274 điểm), Nguyễn Thị Lụa (Vật - 257 điểm), Hoàng Quý Phước (Bơi - 218 điểm).
Trong danh sách bầu chọn các HLV tiêu biểu, HLV Hồ Thị Từ Tâm (điền kinh) dẫn đầu với 463 điểm; HLV Lê Công (Karatedo) đứng thứ 2 với 395 điểm; HLV Nguyễn Đình Minh (Điền kinh) xếp sau với 376 điểm; HLV Nguyễn Thị Nhung (Bắn súng) đứng thứ 4 với 167 điểm; HLV Lâm Minh Châu (Cờ vua) đứng thứ 5 với 138 điểm.
Ở cuộc bầu chọn 5 VĐV khuyết tật tiêu biểu, Võ Thanh Tùng (Bơi) dẫn đầu với 550 điểm; Phạm Đức Trung (Cầu lông) đoạt ngôi Á quân với 480 điểm; Hoàng Phạm Thắng (Cầu lông) đứng thứ 3 với 376 điểm; Trịnh Công Luận (Điền kinh) xếp sau với 300 điểm; Lê Đứng Hùng (Điền kinh) đứng thứ 5 với 222 điểm.
Kết quả cuộc bầu chọn HLV khuyết tật tiêu biểu, HLV Lê Thúy Ngà đứng đầu với 332 điểm, Đổng Quốc Cường giành ngôi Á quân (288 điểm), Đặng Văn Phúc đứng thứ 3 (198 điểm).
Danh sách 10 VĐV tiêu biểu 2010
1, Vũ Thị Hương (Điền kinh, 1213 điểm)
2, Trương Thanh Hằng (Điền kinh, 1208 điểm)
3, Lê Bích Phương (Karatedo, 1047 điểm)
4, Nguyễn Tiến Minh (Cầu lông, 631 điểm)
5, Vũ Văn Huyện (Điền kinh, 582 điểm)
6, Lê Quang Liêm (Cờ vua, 558 điểm)
7, Thạch Kim Tuấn (Cử tạ, 331 điểm)
8, Hà Minh Thành (Bắn súng, 274 điểm)
9, Nguyễn Thị Lụa (Vật, 257 điểm)
10, Hoàng Quý Phước (Bơi, 218 điểm)