Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa bộ ba quyền lực châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách...

Kinhtedothi - Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách cải thiện quan hệ với một loạt cường quốc của khu vực như Trung Quốc và Nga. Nhờ những nỗ lực này mà quan hệ đối tác chiến lược Nga - Ấn đã hiệu quả hơn kể từ khi bầu không khí “nguội lạnh” bao trùm quan hệ hai nước sau khi Liên Xô tan rã.

Ngoại giao “dầu lửa”

Sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ ba quyền lực mới đã làm thay đổi đáng kể cân bằng chính trị tại châu Á với các dự án đầy tham vọng về thúc đẩy xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng, khí tự nhiên, vũ khí, công nghệ… Kể từ khi nguồn dự trữ khí tự nhiên của Ấn Độ bị hạn chế, thì mối quan hệ hợp tác mới sẽ càng giúp cho New Delhi có cơ hội rõ ràng hơn để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng năng lượng nội địa.
Từ trái qua: Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại Bắc Kinh ngày 2/2.      Ảnh: REUTERS
Từ trái qua: Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại Bắc Kinh ngày 2/2. Ảnh: REUTERS
Về phía Trung Quốc, thiết lập một mối quan hệ bền chặt với Nga giúp nước này ổn định được nguồn cung dầu khí bất kể thị trường dầu mỏ thế giới có biến động đến đâu. Rõ ràng, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, Ấn Độ ban đầu được củng cố dựa trên nền tảng của “ngoại giao dầu khí” nhưng sau đó, sự thay đổi nhanh và phức tạp của bối cảnh môi trường quốc tế đã buộc 3 nước này phải có lựa chọn khác đi. Bởi thế mà việc Bộ trưởng Ngoại giao Nga – Trung - Ấn sau cuộc họp tại Bắc Kinh đã ra thông cáo chung gồm 30 điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính sách của 3 nước nói riêng và cả khu vực nói chung.

Cân bằng ảnh hưởng

Khi cả Bắc Kinh và Moscow đang tìm cách “cân bằng ảnh hưởng” với Washington trong khu vực, việc 3 nước khẳng định ý muốn “xây dựng một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, ổn định hơn” và hình thành một thế giới “đa cực” được các nhà bình luận dự liệu từ lâu . Đó cũng là một phần lý do tại sao cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao 3 nước được triệu tập chỉ một tuần sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm cấp cao tới Ấn Độ. Cuộc gặp gỡ cấp cao tại Bắc Kinh lần này được coi là nỗ lực thể hiện một mặt trận quốc tế đoàn kết trong khu vực của Trung Quốc, nhằm đối trọng với những ảnh hưởng mà Washington đã thiết lập sau chuyến thăm của ông Obama.

Trong khi đó, Nga với tư cách là một quốc gia chiến thắng trong Thế chiến thứ II đã xúc tiến nỗ lực để đưa các lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít vào chương trình nghị sự của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc – một động thái được cho là nhắc nhở Mỹ và một số quốc gia phương Tây trong phe Đồng minh về vai trò của Moscow trong bối cảnh chính những nước này đang áp đặt các lệnh trừng phạt mà Nga cho là vô lý.

Xoay trục thông minh

Tất nhiên, trong mối quan hệ ba bên cùng có lợi này, vẫn tồn tại những mâu thuẫn rất riêng cho lợi ích và chính sách ngoại giao đặc trưng của từng nước. Việc Moscow mở rộng sự hiện diện tại Pakistan với tư cách như một đối tác quân sự tiềm năng của Nga và mối quan hệ mật thiết Bắc Kinh – Moscow là điều mà New Delhi lo ngại. Ngoài ra, trong quan hệ song phương giữa Nga - Ấn, Nga – Trung và Trung - Ấn vẫn tồn tại không ít nghi kỵ do những vấn đề trong quá khứ nhưng lợi ích chiến lược quá lớn của trục quyền lực này buộc các nước phải gạt sang một bên những khác biệt để đưa quan hệ của bộ ba bước vào giai đoạn mới.

Vì vậy vừa hợp tác, vừa đấu tranh được coi là chiến lược xoay trục thông minh của 3 “ông lớn” trong khu vực. Theo đó vừa tăng cường quan hệ đối tác nhằm thiết lập liên minh chiến lược, vừa cạnh tranh bảo vệ lợi ích đơn phương của quốc gia là bước đi được chính quyền 3 nước lựa chọn. Và chính lựa chọn chiến lược ngoại giao đa dạng, thực dụng này đã đưa Nga, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ là người chơi trong các diễn đàn đa phương quan trọng như G20 hay BRICS mà còn góp phần thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực cũng như toàn cầu.