Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vùng bãi sông Tích, huyện Phúc Thọ: Bao giờ sản xuất hết bấp bênh?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, hễ nước sông Tích dâng cao, hơn 200ha diện tích canh tác ven bãi sông thuộc huyện Phúc Thọ lại bị nước nhấn chìm.

Một số giải pháp cụ thể đã được đưa ra, nhen nhóm hy vọng cứu vãn bài toán sản xuất cho vùng bãi này.
Sản xuất 3 vụ, chỉ được thu hoạch 2 vụ

Nằm ven bờ tả sông Tích, xã Tích Giang có trên 138ha đất canh tác ngoài bãi sông. Từ đầu năm 2017 đến nay, bà con nông dân nơi đây chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa lớn. Cụ thể, cơn bão số 3 khiến gần 60ha lúa vụ Mùa bị ngập trắng. Đến cơn bão số 10, khoảng 40ha lúa và hoa màu các loại tiếp tục không cho thu hoạch. Trước đó, năm 2016, sau 2 cơn bão số 3 và số 4, gần 90ha lúa và hoa màu của nông dân trên địa bàn cũng bị thất thu.

Nước sông Tích dâng cao nhấn chìm nhiều diện tích canh tác ven bãi sông thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cùng với xã Tích Giang, một địa phương khác nằm ven sông Tích là xã Trạch Mỹ Lộc cũng chịu thiệt hại nặng nề mỗi khi mưa lớn. Thống kê của địa phương cho thấy, 2 đợt nước sông Tích dâng cao sau những trận mưa bão năm 2017 đã khiến khoảng 100ha lúa và hoa màu của bà con bị thiệt hại.

Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Doãn Văn Hà, toàn bộ diện tích ven bãi sông Tích thuộc 2 xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc đều là đất quỹ 1 được giao cho các hộ canh tác theo Nghị định số 64/NĐ-CP. Nhiều năm qua, người dân nơi đây canh tác 3 vụ/năm, nhưng chỉ có vụ Xuân là cho thu hoạch tương đối ổn định. Trong khi vụ Mùa và vụ Đông cho sản lượng rất bấp bênh, thậm chí có những đợt chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa lớn còn bị mất trắng.

Nghiên cứu phương án khả thi

Trước ảnh hưởng của việc nước sông Tích dâng cao trong mùa mưa bão khiến sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, huyện Phúc Thọ đã có văn bản đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội phương án xử lý. Ba giải pháp được huyện đề xuất là: Xây dựng hồ điều hòa gắn với du lịch sinh thái; đắp đê bao vùng bờ hữu Tích kết hợp lắp đặt trạm bơm, hoặc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành trang trại gắn với du lịch sinh thái có giải pháp phòng, chống thiên tai.

Liên quan tới phương án kiến nghị của huyện Phúc Thọ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, phương án xây dựng hồ điều hòa là không khả thi, do sẽ làm giảm không gian thoát lũ của sông Tích. Đối với giải pháp đắp đê bao sẽ cản trở khả năng thoát lũ rừng ngang. Qua khảo sát thực tế, Sở NN&PTNT Hà Nội thống nhất với đề xuất thứ ba của huyện là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên vùng đất bãi sông Tích, kết hợp với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo ông Mỹ, việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cũng như các quy hoạch chi tiết phát triển kinh tế - xã hội.

Cho biết ý kiến xung quanh phản hồi của Sở NN&PTNT Hà Nội, theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc xây dựng bờ bao vẫn là rất cần thiết. Theo đó, ông Phú giữ quan điểm và tiếp tục kiến nghị UBND TP xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng tuyến bờ bao ven bờ tả sông Tích. “Trong trường hợp ngân sách TP không bố trí được, địa phương có thể tự cân đối nguồn vốn để thực hiện đầu tư…” - ông Phú bày tỏ mong muốn.

Liên quan tới các đề xuất của Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Phúc Thọ, mới đây, UBND TP đã có Văn bản số 4685/UBND-KT đồng ý với phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đối với diện tích ven bãi sông Tích. Đồng thời, giao Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, tính toán cụ thể về đề xuất xây bờ bao ven sông Tích theo kiến nghị của huyện Phúc Thọ. Với động thái cụ thể trên của TP, bà con nông dân vùng bãi thuộc 2 xã Tích Giang và Trạch Mỹ Lộc có thể hy vọng về viễn cảnh sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn trong một ngày không xa.