Để có được những tháng ngày tuổi già thanh thản, có ích cho cộng đồng như bây giờ, bà bảo, ấy cũng là cơ duyên của bà khi 3 lần được gặp Bác Hồ, để nhớ lời Bác dạy gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Năm 1955, khi về học ở Hà Nội, bà đã 3 lần được gặp Bác Hồ và đến hôm nay, những hình ảnh, phút giây ấy vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Theo bà Kim Oanh, lần đầu gặp Bác là vào dịp sinh nhật của Người, ngày 19/5/1956 khi cùng đoàn học sinh Thủ đô đến Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác. Lần thứ hai là vào tháng 7/1956, khi Bác đến thăm trường Phổ thông cấp III Hà Nội, nơi con em cán bộ kháng chiến theo học. Trong lần gặp này, lời căn dặn của Bác đã nhen lên ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ, thôi thúc cô không ngừng học tập, rèn luyện và phấn đấu trở thành một nhà giáo giỏi, truyền đạt kiến thức và vun đắp ước mơ cho các thế hệ học trò. Lần thứ ba được gặp Bác là tháng 10/1957, khi cô đang học trường Trung cấp sư phạm T.Ư, nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người trò chuyện cùng giảng viên, sinh viên, nhấn mạnh lý tưởng của thanh niên và trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân. Nếu như trong lần gặp thứ hai, lời Bác đã giúp cô lựa chọn nghề nghiệp thì lần gặp gỡ thứ ba này đã giúp cô vững tin hơn vào con đường mình đang đi. Sau 13 năm (năm 1959) ra trường giảng dạy, đến tháng 8/1972, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp II Đông Ngạc (Từ Liêm). 16 năm giữ cương vị hiệu trưởng, cô Oanh đã tập hợp được một đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào cấp III cao, xây dựng nhà trường kiểu mẫu, hoạt động nền nếp, liên tục giữ vững danh hiệu trường tiên tiến của ngành giáo dục Thủ đô. Chi bộ Đảng nhà trường nhiều năm liền giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh và cá nhân cô giáo 6 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích đóng góp cho ngành giáo dục. Năm 1988, về nghỉ hưu tại xóm 2, Đông Ngạc, với tâm huyết của một nhà giáo mẫu mực, một đảng viên gương mẫu, bà lại nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động ở khu dân cư, đóng góp xây dựng địa phương. Nhận thấy môi trường bị ô nhiễm, bà cùng trưởng thôn họp dân, lập ra Ban vệ sinh xóm, thống nhất một số quy ước, phân chia thành tổ phụ trách từng khu vực. Mỗi tuần một buổi, các ban vệ sinh vận động nhân dân cùng nhau tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Khi môi trường được cải thiện, bà lại đề xuất với cán bộ trong thôn vận động bà con quyên góp tiền làm bê tông, nâng cấp đường thôn xuống cấp. Để làm gương, bà động viên gia đình bê tông hóa đoạn ngõ của gia đình trước. Với sự kiên trì giải thích, thuyết phục của bà và cán bộ thôn (có những ngõ phải họp, vận động dân tới 3 lần), tất cả các ngõ đã được cải tạo, nâng cấp, giúp cho thôn xóm khang trang, sạch đẹp. Trước nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, nhưng không có người giải quyết do khuyết trưởng xóm, bà xung phong đảm nhiệm và việc đầu tiên ở cương vị mới, bà nghĩ tới việc chỉnh trang cổng làng nhằm khôi phục nét cổ kính của Đông Ngạc, chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ tháng 4/2009 - 7/2010, bà đã tổ chức họp dân thông qua mẫu cổng, bàn phương thức đóng góp, thảo thư ngỏ, tổ chức ngày hội quyên góp tiền xây cổng, kết quả đã xây dựng được cổng làng đúng dịp chào mừng Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.Nhận xét về bà giáo Kim Oanh ở xóm 2, Bí thư Đảng ủy xã Đông Ngạc Văn Thúy Hoa cho biết, từ khi còn là hiệu trưởng đến lúc về hưu bà Kim Oanh luôn phát huy tốt vai trò người đảng viên, gương mẫu trong công việc, giản dị, gần gũi trong đời thường, hòa mình vào cuộc sống của bà con xóm làng. Đảng bộ xã Đông Ngạc rất cần những đảng viên như thế.