Vươn lên bằng nội lực

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng từ tài nguyên đất, đó chính là nguồn lực quan trọng để TP đầu tư xây dựng các công trình, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông”.

Theo tính toán, để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khung giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội cần khoảng 200.000 tỷ đồng, chưa kể hơn 40 tỷ USD đầu tư cho đường sắt đô thị nhưng Trong khi nguồn vốn ngân sách TP dự kiến chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã mạnh dạn chọn hướng đột phá để đạt được nhiều mục tiêu quan trọng đã đề ra, đó là kêu gọi hợp tác công - tư, với loại hợp đồng chủ yếu là BT. Với quan điểm, không thu phí trên đường đô thị, không bắt người dân phải chịu gánh nặng đầu tư hạ tầng, do đó Hà Nội không lựa chọn loại hợp đồng BOT. BT - hiểu nôm na là: Đổi đất lấy hạ tầng; loại hình này được các chuyên gia đánh giá có 3 lợi ích vô cùng to lớn. Thứ nhất, TP huy động được vốn để đầu tư hạ tầng cơ sở; thứ hai, những khu vực đất được đem trao đổi sẽ hình thành các khu đô thị, vừa có tác dụng giãn mật độ dân cư thành thị, vừa góp phần tạo bộ mặt đô thị mới cho TP; thứ ba, quan trọng nhất là người dân không phải đóng góp dưới mọi hình thức mà vẫn được thụ hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển.
Cho rằng, Hà Nội đang có cơ hội lớn để phát triển đô thị bằng chính nguồn lực của mình và TP phải vận dụng triệt để lợi thế này, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa về cơ chế, phân cấp, ủy quyền để Hà Nội chủ động trong các dự án. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương trên, lãnh đạo TP cũng đặt hàng với các nhà đầu tư. Đó là: Nhà đầu tư phải có cả năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm chuyên môn tương xứng trong lĩnh vực đầu tư. Đồng thời phải nộp bảo đảm bằng một khoản tiền lớn để trong trường hợp thực hiện dự án chậm hoặc bỏ dở sẽ phải bồi thường cho TP bằng toàn bộ số tiền ký quỹ. Nhà đầu tư phải tự ứng vốn nghiên cứu và lập báo cáo khả thi công trình; có tỷ lệ giảm giá công trình nhất định so với dự toán được duyệt...
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu phát triển đang đòi hỏi những nguồn lực khổng lồ và bền bỉ, Hà Nội đã chọn, trước hết vận động bằng chính nội lực của mình để vượt qua khó khăn, thách thức. Đó cũng chính là tiền đề để TP phát triển vượt bậc trong tương lai, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại của khu vực và trên thế giới.