Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WB khuyên Việt Nam nên tăng dự trữ ngoại hối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam của Ngân hàng thế giới (WB) công bố hôm nay (5/12) cho rằng, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm nay.

Với chính sách tiền tệ, WB khuyến cáo Việt Nam nên tăng dự trữ ngoại hối tốt để dự phòng với biến động bên ngoài.
Tăng trưởng kinh tế 2016 Việt Nam đạt 6%
Báo cáo nghiên cứu tình hình kinh tế Việt Nam trong điều kiện kinh tế toàn cầu còn chưa khởi sắc. WB đánh giá, nhu cầu trong nước, tiêu dùng và đầu tư là động lực cho tăng trưởng. Tuy có đà tăng trưởng chững lại nhưng kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn khá ấn tượng trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh.
Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao. Mặc dù giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng, lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.
Quang cảnh họp báo của WB chiều 5/12
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất". Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế.
Chuyển đổi cơ cấu trong năm nay, Việt Nam đã có tiển triển về thứ hạng, môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, ở vị trí 82 cho thấy cải thiện nhiều về nộp thuế, tiếp cận điện năng, vay vốn… tuy nhiên có 1 số chỉ tiêu kém ASEAN+4.
Chính phủ đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới như đẩy mạnh cải cách DNNN nâng cao năng suất, tiếp tục thoái vốn ra khỏi một số ngành nghề nhà nước không cần nắm giữ, cải cách chiều sâu năng lực ngân hàng. Xử lý một số vấn đề nợ xấu, tài sản xấu, chất lượng kém…
“Trong năm nay, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ ở mức 6%, nhưng sang năm 2017 sẽ phục hồi, chúng tôi kỳ vọng triển vọng chung toàn cầu khá hơn sẽ tác động tới Việt Nam”, báo cáo của WB đánh giá.
Cảnh báo cung tiền mở rộng
Lạm phát cũng không cao vì động lực của lạm phát năm nay liên quan đến giá hành chính và năm sau không bị áp lực. Về ngân sách, bội chi ngân sách lớn, mức chi ở năm nay cho thấy bội chi vẫn ở mức cao, tỷ lệ nợ/GDP đang tăng lên gần sát 65%. Chính phủ củng cố ổn định tài khóa, từng bước để giảm nợ xuống, từ đó có bước đệm về ngân sách dự phòng với cú sốc bên ngoài gây ra. Dự kiến, từ năm 2017 bội chi ngân sách sẽ giảm dần để đạt mục tiêu của CP xuống 4% GDP.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ được nới lỏng khá nhiều và tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức cao có thể làm gia tăng những nguy cơ dễ tổn thương, dễ hiện hữu về tài chính và kinh tế vĩ mô. “Nếu chúng ta tiếp tục tăng trưởng tín dụng gấp đôi so với GDP nguồn vốn đó chảy vào đâu, có vào sản xuất kinh doanh cho ra của cải vật chất hay không. Nếu nhìn vào rất dễ chảy vào BĐS, đầu cơ. Xem xét tăng vào lĩnh vực nào? Khu vực này vẫn còn tồn tại nợ xấu, khu vực ngân hàng vẫn cần phải củng cố”, các chuyên gia của WB cảnh báo.
Triển vọng trong trung hạn có phải tính đến một số rủi ro bất lợi như chậm trễ trong triển khai chuyển đổi cơ cấu và cải cách tài khóa, kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khả quan và viễn cảnh tăng lãi suất tại Mỹ. Cũng theo các chuyên gia của WB, tỷ giá danh nghĩa tương đối ổn định nhưng tỷ giá hiệu lực đã tăng, so với đồng tiền khác trong khu vực tiền đồng cũng đã tăng giá. Tài khoản đầu tư có thặng dư một phần vì FDI đổ vào vẫn ổn định, NH Trung ương liên tục tích lũy dự trữ, về mặt tuyệt đối tăng lên nhưng về mặt tương quan với XK là không tăng lên. Do đó, cần dự trữ ngoại hối tốt để dự phòng với biến động bên ngoài.