Kinhtedothi - Ngày 5/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về tình trạng bùng nổ dân số già, tạo ra gánh nặng khổng lồ cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước, đặc biệt là những quốc gia nghèo.
Trong báo cáo tổng quan mới nhất, WHO cho biết tuổi thọ trung bình của con người trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng. Dự tính đến năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số lượng người ở độ tuổi từ 60 trở lên sẽ lớn hơn số trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài ra, đến năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 2 tỷ người ở độ tuổi từ 60 trở lên, lớn hơn rất nhiều so với con số 841 triệu người hiện nay, và khoảng 80% số này sinh sống tại các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp.
Theo WHO, con người càng sống lâu thì càng cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và càng nhiều vấn đề sức khỏe do tuổi già phát sinh. Tuổi thọ trung bình cao hơn không đồng nghĩa với tình trạng sức khỏe tốt hơn bởi phần lớn gánh nặng bệnh tật xuất phát từ những người có độ tuổi trên 60, trong đó có những căn bệnh dai dẳng như ung thư, các bệnh về đường hô hấp, viêm khớp, rối loạn tâm lý và rối loạn thần kinh.
Chỉ riêng những người mắc tâm thần phân liệt dự kiến sẽ tăng từ 44 triệu hiện nay lên 135 triệu người vào năm 2050.
Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia phải cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội một cách căn bản và sâu rộng.
WHO cũng đề xuất những biện pháp không quá đắt đỏ để thực hiện mục tiêu này như thiết lập các phòng khám di động cho vùng nông thôn, tăng cường phổ cập vắcxin và tuyên truyền lối sống lành mạnh, giảm muối trong thực đơn hàng ngày, không hút thuốc và cho phép những người có đủ điều kiện sức khỏe làm việc lâu hơn quy định nghỉ hưu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: galleryhip.com)
|