Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

WHO tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch: Hợp tác toàn cầu kiểm soát dịch

Cẩm Anh - Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp báo đêm 11/3 (giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là “đại dịch” (pandemic). Điều này đặt ra yêu cầu mới trong công tác hợp tác đa quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Phun thuốc khử trùng trên phố Trúc Bạch. Ảnh: Nguyễn Trọng 
Gia tăng cấp độ
Đại dịch hay Pandemic là một từ có nguồn gốc từ Hy Lạp. Trong đó Pan ("tất cả") và demos ("người"), là thuật ngữ các chuyên gia về bệnh sử dụng khi dịch bệnh lây lan ra nhiều quốc gia và châu lục đồng thời. “Đại dịch” nhằm đề cập sự lây lan của một căn bệnh, không phải chỉ bởi mức độ lây lan của nó mà còn là sự nguy hiểm của nó đối với toàn cầu. Việc WHO tuyên bố Covid-19 là một đại dịch không thay đổi bản chất của bệnh dịch này mà là cách WHO định nghĩa đây là "sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng truyền từ người này sang người khác trên toàn cầu".
Điều này có nghĩa là dịch bệnh sẽ chỉ được gọi là “đại dịch” khi nó lan rộng, ở một số quốc gia hoặc lục địa và ảnh hưởng đến một số lượng lớn người. Căn bệnh đó cũng phải là một bệnh có khả năng nhiễm - và khả năng rất lớn ảnh hưởng đến nhiều người trên thế giới. Điều quan trọng là cụm từ "đại dịch" chỉ đề cập tới quy mô các khu vực trên thế giới đang phải ứng phó với sự lây lan gia tăng của bệnh dịch chứ không miêu tả mức độ trầm trọng của bệnh dịch. Ví dụ, năm 2009, cúm H1N1 được WHO công bố là một đại dịch vì có tới 20% cư dân toàn cầu nhiễm bệnh. Nhưng mặt khác căn bệnh này không gây nguy hiểm chết người lớn khi tỷ lệ tử vong chỉ ở ngưỡng 0,02%.
Quá trình điều trị thực tế cho thấy, đa số các ca nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ và hầu hết những người nhiễm đều hồi phục trong 6 ngày. Các chủng virus corona trước đây cũng rất nguy hiểm nhưng chưa bao giờ gia tăng cấp độ trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Nói cách khác, việc tuyên bố một dịch bệnh là "đại dịch" là chuyện khá hiếm.
Sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng
Sáng 12/3, Bộ Y tế đã chính thức công bố bệnh nhân thứ 39 mắc Covid-19. Đây cũng là ca thứ 5 tại Hà Nội. Theo đó, bệnh nhân thứ 39 (BN 39), B.C.P. (25 tuổi), trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy, là hướng dẫn nhân viên du lịch. Ngày 4/3, bệnh nhân dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình, trong đó có tiếp xúc với BN24 (ca dương tính Covid-19 được xác định tại Quảng Ninh). Chiều 12/3, Bộ Y tế đã công bố thêm 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại Bình Thuận, đây là những người đã tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 số 34 (trở về từ Mỹ) trước đó.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về việc WHO tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ luôn xây dựng kịch bản ở mức cao hơn công bố của WHO để sẵn sàng các phương án ứng phó. Cũng trong ngày hôm qua (12/3) Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chung cư với 3 nội dung: Hướng dẫn đối với người dân; Hướng dẫn đối với ban quản lý/ban quản trị/ban đại diện; Hướng dẫn đối với người quản lý khu nhà/chung cư cho thuê, người cho thuê căn hộ chung cư.
Trước diễn biến của dịch, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động. Rà soát người nhập cảnh trong 14 ngày qua nhưng không thuộc diện cách ly tập trung, phát hiện kịp thời nguồn lây bệnh. Đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng. Thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh đến từ, đi qua vùng có dịch tại các cơ sở cách ly; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao kịp thời công bố danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch để áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người nhập cảnh Việt Nam từ vùng dịch.