Nhu cầu nguồn nước tăng gấp đôi
Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), trong 10 năm qua, mực nước hạ du sông Đà bị hạ thấp trung bình từ 0,5 – 2m; hạ du sông Thao bị hạ thấp từ 0,65 – 1m; trong khi sông Hồng cũng bị hạ thấp từ 0,4 – 2,8m ở hạ du. Diễn biến hạ thấp nghiêm trọng nhất ghi nhận được trên tuyến sông Đuống, khi mực nước sụt giảm trung bình từ 3 – 6m; riêng đoạn cửa vào (khu vực Trạm thủy văn Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) bị hạ thấp từ 9 – 13m.
Bộ chia sẻ với khó khăn của ngành điện, đồng thời cũng nhận thức được rằng, không thể chỉ lo cho sản xuất nông nghiệp mà bỏ qua sự cần thiết của cấp điện. Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương bám sát lịch lấy nước, tận dụng tối đa nguồn nước xả. Trên cơ sở đánh giá, có thể xem xét, thống nhất với EVN giảm số ngày lấy nước… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Nguyên nhân của tình trạng lòng dẫn sông bị hạ thấp được cho là bởi lượng bùn cát từ thượng nguồn Trung Quốc về đến sông Hồng đã giảm tới 90% trong 10 năm qua. Cụ thể, từ khoảng 120 triệu m3/năm xuống còn 9,5 triệu m3/năm. Lòng dẫn hệ thống sông bị hạ thấp khiến các hồ chứa thủy điện phải tăng lượng xả nhằm bảo đảm nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân. Nếu như từ năm 2009 – 2011, lượng nước cần xả chỉ xấp xỉ 3 tỷ mét khối/năm; thì từ năm 2012 đến nay, lượng xả liên tục tăng và đã lên tới gần 6 tỷ mét khối trong vụ Xuân 2019 (gấp đôi so với 10 năm trước).
Lượng nước xả gia tăng quá lớn trong những năm gần đây gây thiệt hại không nhỏ về mặt phát điện. Bởi theo tính toán, mỗi mét khối nước xả không qua phát điện sẽ tốn chi phí 330 đồng. Đồng nghĩa với khi xả 1 tỷ mét khối nước, ngành điện sẽ mất… 330 tỷ đồng.
Công suất phát điện có thể giảm 25%
Cùng với thiệt hại về kinh tế, việc xả nước không qua phát điện để đáp ứng nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân còn ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành sản xuất điện của các nhà máy thủy điện.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết, vụ Xuân 2020, tổng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện theo đề xuất của Bộ NN&PTNT là khoảng 4,3 tỷ mét khối. Về mặt kinh tế, tương ứng ngành điện mất đi khoảng… 1.420 tỷ đồng. Một điều đáng lo ngại khác, đó là sau khi kết thúc 3 đợt xả, mực nước các hồ chứa Thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang sẽ hạ thấp rất nhanh. Dung tích các hồ sẽ chỉ còn cách mực nước chết lần lượt là: 3,17m; 2,93m và 3,56m.
Đặc biệt, sau đổ ải, hồ Hòa Bình còn phải đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trong cao điểm mùa khô, và chống quá tải trong một số trường hợp. Theo đó, Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải có công suất tối thiểu từ 1.700 – 1.900MW, tương ứng với mực nước giữ trong hồ từ 91,5 – 101m. Dù vậy, sau khi kết thúc 3 đợt xả, mực nước hồ Hòa Bình dự kiến sẽ chỉ còn ở mức… 83,17m.
Sau cấp nước đổ ải, các hồ còn phải bổ sung nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân, mực nước các hồ sẽ giảm xuống gần mực nước chết. Việc sử dụng nước sau đó phụ thuộc vào lưu lượng nước về, và để duy trì mực nước đến hết mùa khô sẽ phải điều tiết dần nước từ hồ Sơn La xuống.
Mặc dù vậy, đại diện EVN nhận định, đến tháng 5/2020, hồ Sơn La cũng sẽ về mực nước chết. Tại các mực nước thấp như vậy, công suất phát điện thực tế của các tổ máy thủy điện sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều tổ máy sẽ chỉ vận hành bằng 75% công suất định mức. Để tiết kiệm nguồn nước hồ chứa cho sản xuất vụ Xuân 2020, thời gian qua, EVN đã chỉ đạo tăng cường chạy dầu để phát điện. Sản lượng dự kiến huy động là 3,4 tỷ kWh. Đây là mức huy động chưa từng có từ trước đến nay, và việc bảo đảm nguồn dầu phát điện được dự báo sẽ rất khó khăn.