Doanh thu vượt trội và hiệu quả kinh tế từ trồng rau khiến hàng trăm hộ dân nơi đây đổ xô đi thuê đất để canh tác rau an toàn.
Hiệu quả kinh tế lớnTừng là một trong số những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở thôn Đông Cao, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ cây rau, đời sống của hộ ông Nguyễn Văn Sang đã trở lên khấm khá hơn. Bắt đầu từ hơn 3 sào đất canh tác nông nghiệp, với sự hướng dẫn của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, ông Sang chuyển đổi sang trồng rau an toàn. Việc sản xuất càng thuận lợi hơn khi ông tham gia vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, được hỗ trợ về quy trình sản xuất và xây dựng nhãn hiệu cho rau an toàn. Nhận thấy giá trị từ cây rau, ông Sang đã thuê gần 2ha ruộng thuộc các xã lân cận như Hoàng Kim, Văn Khê để trồng rau an toàn. Đến nay, doanh thu từ rau an toàn hàng năm của gia đình ông Sang không dưới 500 triệu đồng/ha.
|
Rau an toàn thôn Đông Cao, xã Tráng Việt ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng tốt. Ảnh: Trọng Tùng |
Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn cho hay, toàn xã có gần 400 hộ tham gia trồng rau an toàn với tổng diện tích khoảng 134ha, tập trung chủ yếu tại thôn Đông Cao. Nhờ cây rau, đời sống của một bộ phận người nông dân địa phương đã được cải thiện đáng kể. Dù vậy, do quỹ đất canh tác ngày một hạn chế nên những năm qua, nhiều hộ dân nơi đây đã phải chuyển hướng đi thuê đất tại các xã lân cận để trồng rau. Thống kê đến nay, diện tích đất đi thuê để canh tác rau của các hộ lên tới trên 100ha.
Vẫn còn không ít khó khănMột trong những khó khăn lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay là đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, bài toán này đang từng bước được tháo gỡ thông qua HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao. Trong khoảng 2 - 3 năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao đã liên kết với Công ty CP Nhất Nam (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Fivimart) hỗ trợ tiêu thụ rau an toàn cho các thành viên HTX. Ấn tượng hơn khi mới đây, những đơn hàng đầu tiên do HTX sản xuất, đóng gói đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao Vũ Văn Kỳ cho biết, việc HTX được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu và website quảng bá nhãn hàng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Theo ông Kỳ, trong quá trình sản xuất, HTX đặc biệt chú trọng tới chất lượng. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con xã viên về sản xuất sạch, với sự giúp đỡ của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), địa phương đã thành lập và triển khai 15 tổ PGS (kiểm tra giám sát chéo) nhằm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nông sản của các hộ xã viên.
Mặc dù bước đầu hoạt động sản xuất rau an toàn đã cho những kết quả đáng mừng, tuy nhiên, việc phát triển vùng rau an toàn xã Tráng Việt vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ. Trong đó có vấn đề tìm kiếm quỹ đất để xây dựng nhà xưởng cho hoạt động sơ chế. Thực tế, điều này sẽ bảo đảm chất lượng đầu ra đối với sản phẩm rau an toàn Đông Cao, qua đó phục vụ đắc lực cho nhu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà xưởng sơ chế đang rất khó khăn. Liên quan tới vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Đàm Văn Thìn thông tin, quỹ đất trên địa bàn xã rất hạn chế, trong khi đó, địa phương lại không thể bố trí diện tích đất ven bãi sông để xây dựng nhà xưởng, do vướng quy định của Luật Đê điều. Hiện, địa phương đang tập trung tìm hướng giải quyết cho bài toán hạ tầng này nhằm tháo gỡ khó khăn giúp vùng rau an toàn phát triển được thuận lợi hơn.