Sau khi trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá xăng Ron 92 tăng 441 đồng/lít, dầu diesel tăng 599 đồng/lít, dầu hỏa tăng 520 đồng/lít, dầu madut tăng 592 đồng/kg. Giá xăng dầu bán lẻ sau khi tăng giá: Xăng RON 92 16.845 đồng/lít, dầu diesel 13.023 đồng/lít, dầu hỏa 11.543 đồng/lít, dầu madut 10.065 đồng/kg. Mức giá này được áp dụng từ 16 giờ 45 phút ngày 20/10. Như vậy đây lần tăng thứ 5 liên tiếp trong các kỳ điều hành gần đây và là lần thứ 10 giá xăng được điều chỉnh tăng tính từ đầu năm đến nay.
Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu là do giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới thời gian gần đây có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, xăng RON 92 ở mức 59,995 USD một thùng; dầu diesel 61,382 USD một thùng; dầu hỏa là 61,338 USD một thùng và dầu madut ở mức 285,588 USD một tấn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu trong nước liên tục tăng không chỉ có nguyên nhân giá mặt hàng này trên thị trường thế giới đang tăng trở lại mà còn bởi phải chịu quá nhiều thuế, phí. Cụ thể ngày 4/10, Bộ Tài chính công bố các mức thuế đối với mặt hàng xăng là 16,22% (quý trước là 15,74%), dầu diesel là 2,1%, (quý trước 1,84%), dầu hỏa và dầu madut vẫn giữ nguyên mức 0%. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) của xăng được tính trên mức giá ra thị trường của các DN đầu mối thay vì được tính trên giá đầu vào. Như vậy cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt còn bao gồm nhiều loại thuế khác. Với cách tính mới, các loại thuế trên mỗi lít xăng sẽ là: 1.275 đồng thuế nhập khẩu, 1.380 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt, 1.520 đồng thuế VAT, 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (Bộ Tài chính đã nhiều lần gửi văn bản gửi lên Chính phủ, Quốc hội đề xuất áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần là 4.000 đồng), 1.050 đồng chi phí định mức, 300 đồng lợi nhuận định mức, 300 đồng quỹ bình ổn giá. Tổng cộng số tiền thuế là 8.825 đồng, trong khi giá xăng RON 92 là 16.845 đồng/lít, như vậy thuế phí chiếm hơn 50% giá bán xăng dầu. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100.000 đồng tiền xăng người tiêu dùng phải trả hơn 50.000 đồng thuế, phí và giá xăng dầu không giảm nhiều như người dân mong muốn.
Mặc dù, liên Bộ Tài Chính - Công Thương đã cho phép DN “xả” Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhưng dung lượng chưa nhiều như người dân mong muốn, trong khi quỹ này còn dư khá nhiều. Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, hiện Quỹ Bình ổn giá của DN này còn 1.700 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao không tiếp tục “xả” quỹ để giảm giá xăng dầu hoặc dừng thu quỹ bởi với số tiền khổng lồ đó DN đã được hưởng lãi suất ngân hàng? Điều này đòi hỏi trong thời gian tới, liên Bộ Công Thương - Tài Chính cần xem xét lại việc tồn tại Quỹ Bình ổn còn phù hợp đến mức độ nào, nếu cần cho việc dự phòng trong tương lai thì thời gian đó là bao lâu? Song quan trọng nhất đó là sự cần thiết của Quỹ Bình ổn nên được lý giải và vận dụng như thế nào cho thích hợp. Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính nên xem xét lại cách tính thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng sao cho phù hợp, không nên thuế chồng thuế như hiện nay.