Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn đứng im

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 11/2018, giá xăng, dầu đã giảm 2 lần liên tiếp vào khoảng 2.000 đồng. Cụ thể, vào ngày 6/11, giá xăng E5 đã giảm 1.082 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít; ngày 21/11, giá xăng E5 tiếp tục giảm 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít. Việc xăng, dầu liên tục giảm giá được kỳ vọng sẽ kéo theo cước vận tải giảm, bởi xăng, dầu chiếm tới 40 - 50% yếu tố chi phí trong hoạt động kinh doanh vận tải.

 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, qua khảo sát tại Hà Nội, giá cước các loại hình vận tải không có bất kỳ biến động nào. Theo lý giải của ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc giảm giá xăng, dầu vừa qua không tác động nhiều đến giá cước vận tải. Bởi lẽ, giá xăng, dầu giảm khoảng gần 10% nhưng ở thời điểm giá xăng liên tục tăng, các DN vận tải cũng gồng mình giữ giá để cạnh tranh với loại hình vận tải công nghệ.
Thêm vào đó, nếu muốn thay đổi giá cước, DN sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé... Do đó, giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng, dầu giảm. Ngoài ra, thời gian tới, xăng dầu sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng/lít tiền thuế môi trường. Vì thế, càng khó để các DN có thể thực hiện giảm giá cước. Ông Liên cũng cho rằng, mức thuế đối với xăng, dầu tăng thì mỗi lít xăng DN vận tải phải chi thêm 1.000 đồng.
Con số này tưởng chừng nhỏ, song cộng dồn vào cả năm sẽ dẫn đến chi phí DN tăng khá lớn. Chưa kể, việc tăng thuế xăng, dầu cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho DN trong việc đàm phán tăng cước với khách hàng. Có những hợp đồng đã ký trước đó và kéo dài hàng năm thì DN phải chấp nhận đến khi kết thúc hợp đồng mới được điều chỉnh.
Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa Đinh Văn Sáu cho biết, ở những lần tăng giá xăng mạnh trước đó, tổng mức tăng cũng trên 2.000 đồng, nhưng DN cũng không có tăng cước, do vậy ở lần giảm giá xăng này, DN sẽ không có điều chỉnh về giá cước. Thời gian tới, nếu giá xăng, dầu có động thái giảm mạnh hơn, DN sẽ tính toán, cân đối chi phí để giảm giá cước vận tải.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Khi giá nhiên liệu điều chỉnh 10% thì giá cước vận tải có thể được điều chỉnh, Hiệp hội sẽ khuyến cáo DN tính toán giảm chi phí không cần thiết, chủ động các phương án giải quyết bài toán cân đối thu, chi. "Song muốn giảm giá ngay thì chưa thể làm được, vì liên quan đến xu hướng giá xăng, dầu thời gian tới, thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước" - ông Thanh khẳng định.