Đi tìm nguyên nhân vì sao có tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm" như hiện nay và giải pháp nào để lành mạnh hoá thị trường trong nước, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, chiều 4/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm: "Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp".
Tăng nhanh, giảm chậm- vì sao?
Theo ghi nhận, thực tế đến thời điểm hiện tại, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao như: Thịt lợn, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua. Vì sao có tình trạng giá "tăng nhanh, giảm chậm" như hiện nay?
Tính đến thời điểm hiện tại khi giá xăng, dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp thì nhiều mặt hàng vẫn "cố thủ", giữ giá neo cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình trạng này đã xảy ra nhiều lần và lần này cũng không ngoại lệ.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương đã nhắc đến nguyên nhân của tình trạng này. Đó là do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu khi cần điều chỉnh giảm thì phải có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo đà giảm của giá xăng dầu.
Đồng tình với độ trễ của việc giảm giá cả trên thị trường và cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết, song chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh điều này “không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".
“Thông thường các doanh nghiệp tính toán giá xăng dầu giảm như vậy, giả sử họ giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì lại sợ rằng sau này tăng giá lên lại cực kỳ khó, người dân có thể lại phản đối, không đồng tình”, ông Lực nói và nhấn mạnh việc đồng ý về việc có độ trễ nhưng “không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa. Mặc khác, điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân.
“Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn như cũ; khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, nếu không người dân sẽ cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý” - ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng thời cho rằng, vấn đề chi phí trung gian, logistics vẫn còn rất lớn và Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để làm tốt khâu này, từ giá đầu đến giá cuối. Khâu trung gian ít, làm tốt được thì sẽ giảm hiện tượng ăn chênh lệch quá lớn, ép giá người nông dân.
Ngoài ra, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, vừa giúp công khai minh bạch vừa phòng chống tham nhũng, chẳng hạn như thu phí không dừng của Bộ GTVT đang làm rất tốt. Cuối cùng là sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành để giảm bớt chi phí thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, kinh doanh vẫn cao. Ví dụ như bất động sản, chi phí giao dịch 20-25%, tính vào giá và người dân phải trả.
Đau đầu chi phí trung gian
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, chi phí trung gian đang là vấn đề. Hàn Quốc, Thái Lan... xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, như thịt lợn, thuốc... thì 70% lợi nhuận là người nông dân, còn lại 30% các khâu khác... Đây là giải pháp cả trước mắt và lâu dài và cần có chương trình nghị sự, luật hóa về chi phí trong các khâu trung gian này.
Toàn bộ chuỗi cung ứng phải xem lại và phải quan tâm tới người nông dân, công nhân - là những nhân tố tạo ra sản phẩm nhưng lại thất thế nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Hạ tầng thương mại, các chợ đầu mối chưa có sàn giao dịch, chủ yếu giao dịch trực tiếp. Chẳng hạn, nếu một bó rau muống 2.000 đồng nhưng vào sàn giao dịch lên 6.000 đồng, nông dân được hưởng thêm, giảm trung gian và người tiêu dùng cũng được mua rẻ hơn.
"Ngoài ra, có thể đẩy mạnh cải cách hành chính vì vận tải, doanh nghiệp muốn tăng giảm giá nhanh phải phụ thuộc vào thủ tục. Do vậy, cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh, vừa đáp ứng mong mỏi người tiêu dùng, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp" - ông Vũ Vinh Phú nói.
Trước tình trạng giá cả hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt, Phó Cục trưởng Đinh Thị Nương cho biết một số giải pháp cho tình trạng này. Theo đó, trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng vẫn ở mức cao, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả, dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tổ chức rà soát, kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá. Đặc biệt, đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.
Thời gian qua, giá xăng, dầu đã giảm liên tiếp nhiều lần và hiện đã tương đương với thời điểm tháng 1/2022. Hiện tại, giá xăng E5 ở mức 24.629 đồng/lít; xăng Ron95 có giá 25.608 đồng/lít; giá dầu ở dưới mức 25.000 đồng/lít. Doanh nghiệp và người dân rất vui mừng trước sự giảm giá này, song hiện giá các mặt hàng thiết yếu vẫn đang neo cao, không hề suy giảm đang trở thành gánh nặng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.