Kinhtedothi - Tình trạng thua lỗ kéo dài, đầu ra không ổn định, liên kết yếu đang là những khó khăn lớn của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi vẫn còn không ít băn khoăn. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam xung quanh vấn đề tìm hướng đi "giải cứu" cho ngành chăn nuôi.
Thua lỗ 27.000 tỷ đồngLà người gắn bó và theo dõi sát sao tình hình chăn nuôi nhiều năm qua, ông đánh giá thế nào về thực trạng ngành chăn nuôi trong nước hiện nay?
- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị toàn ngành chăn nuôi hiện đạt 11 tỷ USD/năm, tuy nhiên, theo kết quả thống kê trực tiếp đến các hộ chăn nuôi và các tỉnh, thành của Hội Chăn nuôi Việt Nam, con số này đạt 14,5 tỷ USD. Trong khi đó, ngành chăn nuôi chỉ sử dụng khoảng 100.000ha đất, thấp hơn nhiều so với quỹ đất trồng lúa (3,9 triệu héc ta). Điều đó cho thấy, ngành chăn nuôi sử dụng diện tích đất ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, hạn chế của ngành là ô nhiễm môi trường và có thể làm lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người.
Về thực trạng, trong mấy năm trở lại đây, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các trang trại, hộ chăn nuôi bị thua lỗ kéo dài. Ước tính trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chăn nuôi bị thua lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng. Trong đó, thời điểm từ 3/2012 - 3/2013 lỗ khoảng hơn 20.000 tỷ đồng và từ tháng 3/2013 đến nay lỗ khoảng 6.500 tỷ đồng. Như vậy, xu hướng lỗ đang giảm dần. Từ thời điểm tháng 7/2013, chăn nuôi lợn đã ngăn được đà thua lỗ và bắt đầu có lãi, nhưng chăn nuôi gà vẫn giữ nguyên mức lỗ. Thời điểm đầu tháng 4/2014, chăn nuôi gà vẫn đang bị lỗ khoảng 15%, trứng lỗ 31%. Nếu trang trại, hộ chăn nuôi phải mua 100% con giống, thức ăn thì mức lỗ còn cao hơn.
Đây quả thực là con số khiến cho nhiều người phải giật mình. Vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam căn cứ vào đâu để đánh giá mức thua lỗ và đưa ra con số này, thưa ông?
- Chúng tôi thường xuyên cập nhật số liệu về giá cả, sản lượng, tình hình xuất nhập khẩu để có đánh giá sát tình hình của ngành chăn nuôi trong nước. Bình quân, mỗi tuần, chúng tôi cập nhật các thông số từ 1 - 2 lần. Sau đó, tính toán tình hình lỗ lãi của ngành chăn nuôi theo từng tháng, quý, năm. Đơn cử, như năm 2012 - năm lỗ nhiều nhất, trung bình giá thành sản xuất lợn là 42.000 đồng/kg nhưng giá bán bình quân chỉ 38.860 đồng/kg, tức là lỗ 3.140 đồng/kg (7,48%). Với tổng sản lượng thịt lợn sản xuất ra trong nước năm 2012 là 3,8 triệu tấn thì tổng số lỗ trong năm là 11.932 tỷ đồng. Hay như với gà lông trắng, giá thành sản xuất trung bình năm 2012 là 32.500 đồng nhưng giá bán chỉ 25.640 đồng/kg, tức là lỗ bình quân 6.860 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ là do đâu?
- Năm 2010, nhu cầu sử dụng thịt tăng cao, giá thành sản xuất thịt lợn khi đó chỉ 36.000 đồng/kg nhưng giá bán lên tới 60.000 - 73.000 đồng/kg, tức là lãi 24.000 - 37.000 đồng/kg. Chính vì vậy, người dân đổ xô chăn nuôi. Thêm vào đó, từ năm 2011, khi thị trường bất động sản chìm lắng, sàn chứng khoán ảm đạm, nhiều người cũng chuyển hướng sang đầu tư phát triển trang trại. Điều này càng khiến cho nguồn cung tăng. Nói tóm lại, nguyên nhân dẫn tới tình trạng chăn nuôi thua lỗ nhiều trong thời gian qua là do bị dư thừa nguồn cung, phát triển chăn nuôi không theo quy hoạch, dẫn tới tình trạng giá bán thấp dưới giá thành sản xuất.
Như ông nói, nguồn cung đang thừa, vậy tại sao vẫn phải nhập khẩu sản phẩm thịt và các phụ phẩm?
- Hiện nay, nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 2,5% sản lượng thịt, còn lại tự túc 97,5%. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu là 2 nhóm sản phẩm: Phụ phẩm của gà (chân, cánh, đùi) do giá rất rẻ so với sản xuất trong nước, chỉ 0,85 USD/kg, và thịt bò do sản lượng trong nước chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2013, cả nước nhập khoảng 78.800 tấn phụ phẩm của gà, chiếm 5% tổng lượng thịt gia cầm tiêu thụ trong nước, và 29.000 tấn thịt bò tinh (quy đổi), chiếm 16% tổng lượng thịt bò tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu một lượng thịt gia súc, gia cầm khoảng 1,5%. Như vậy, lượng nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của chúng ta chỉ khoảng 1%, tức là không đáng kể.
Đổi mới ngành chăn nuôi để hội nhậpÔng vừa chia sẻ, cho tới nay, chăn nuôi gia cầm vẫn chưa cắt được đà thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, trong định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) lại đưa ra mục tiêu phát triển nhanh đàn vịt và gà lông màu. Ông đánh giá như thế nào về định hướng này?
- Có thể định hướng này bắt nguồn từ việc gia cầm là loài vật nuôi có chu kỳ sinh trưởng ngắn, quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm gia cầm vẫn đang dư thừa, bằng chứng là người nuôi gà vẫn đang thua lỗ. Nếu tiếp tục định hướng phát triển thêm đàn gà sẽ phá vỡ ngành chăn nuôi. Phải nói thêm, ngành chăn nuôi đang có "khoảng trống" về thông tin thị trường khi chưa có những nghiên cứu chi tiết, chính xác đúng nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng phát triển ồ ạt các trang trại chăn nuôi dẫn tới thua lỗ trong thời gian qua. Theo tính toán của Hội Chăn nuôi Việt Nam, sản lượng thịt gia cầm của nước ta hiện đạt trên 2 triệu tấn/năm nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn. Hay năng suất đẻ trứng của gà Việt Nam đã đạt mức 280 - 310 quả/con/năm, tuy nhiên số liệu của Tổng cục Thống kê vẫn chỉ cập nhật là 142 quả/con/năm. Đây là mức rất thấp so với thế giới. Số liệu thống kê đưa ra như vậy, các nhà sản xuất thấy thiếu nên cứ tiếp tục phát triển đàn, dẫn tới dư thừa sản phẩm gia cầm. Do đó, cần lưu ý phát triển chăn nuôi phải xuất phát từ nhu cầu thị trường.
Lại nói thêm về chính sách, Bộ NN&PTNT đã xây dựng dự thảo và đang lấy ý kiến các ngành, địa phương về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ. Theo ông, chính sách này liệu có đi ngược với Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, ngành chăn nuôi cơ bản chuyển sang sản xuất theo phương thức trang trại, công nghiệp hay không?
- Chăn nuôi nông hộ là xu thế của cả thế giới, hơn nữa trong lúc ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ là cần thiết nhưng quan điểm của tôi phải là nông hộ lớn chứ không nên hỗ trợ hộ nuôi nhỏ lẻ dăm ba con lợn, gà. Bởi, nếu cứ khuyến khích chăn nuôi nhỏ lẻ thì không thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường, và chỉ có chăn nuôi quy mô lớn mới thúc đẩy hình thành các khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang từng bước chuẩn bị gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên phải có bước đi để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử, nước Mỹ hiện nay chỉ có 3 bang chăn nuôi lợn nhưng giá thịt đang rẻ hơn Việt Nam 40%. Với mức thuế và cước phí vận chuyển, cơ bản sản phẩm thịt của chúng ta cạnh tranh được. Tuy nhiên, khi gia nhập TPP, mức thuế suất nhập khẩu về 0%, thì sản phẩm chăn nuôi nhỏ lẻ của chúng ta khó lòng cạnh tranh được.
Vậy theo ông, ngành chăn nuôi Việt Nam nên tập trung vào các đối tượng vật nuôi nào?
- Vẫn nên tập trung phát triển theo cơ cấu đàn vật nuôi chủ yếu là lợn, gia cầm và bò để giảm lượng nhập khẩu, trong đó, lưu ý cả bò thịt và bò sữa. Hiện nay, nước ta có nhiều điều kiện để phát triển chăn nuôi bò, nhất là nguồn thức ăn dồi dào. Mỗi năm, cả nước sản xuất ra 40 triệu tấn thóc, tức là còn 40 triệu tấn rơm, chỉ cần xử lý Ure 5% là có thể biến thành thức ăn chăn nuôi bò rất tốt. Ngoài ra, hiện nay, bã, lõi quả dứa sau chế biến, chúng ta đều bỏ và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc mua lại để chăn nuôi bò, sau đó, chúng ta lại phải nhập thịt bò, như vậy là rất mâu thuẫn.
Còn chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nên tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
- Có 3 vấn đề chính trong chăn nuôi cần được Nhà nước hỗ trợ. Thứ nhất là con giống, nếu làm tốt chất lượng giống sẽ giúp giảm 9% giá thành sản xuất. Hiện nay, những giống lợn, gà, bò tốt nhất của thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với chương trình giống. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có chuỗi sản xuất giống hoàn chỉnh, trong khi nếu gia nhập TPP thì khả năng cạnh tranh một phần quan trọng nằm ở khâu giống. Bởi vậy, Nhà nước nên hỗ trợ thụ tinh nhân tạo, nhất là bò thịt để giảm nhập khẩu thịt...
Thứ hai là chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Trong đó, doanh nghiệp ký hợp đồng kinh tế với người nông dân. Nông dân chỉ cần có nhà, đất, lao động và được trả công tính theo theo hợp đồng. Sản phẩm chăn nuôi khi xuất chuồng được đưa đến nhà máy giết mổ, kết nối với nhà máy chế biến rồi đưa ra thị trường bán lẻ, siêu thị. Do đó, Nhà nước nên hỗ trợ cho những mối liên kết này để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.
Thứ ba, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng các mô hình khuyến nông cho nông dân học tập. Đồng thời, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, hoàn thiện hạ tầng khu sản xuất như điện, nước, giao thông...
Xin cảm ơn ông!