Đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Trong khi Hà Nội là nơi quy tụ của nhiều trường ĐH, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ sở đào tạo bậc ĐH nào do TP Hà Nội trực tiếp quản lý. Vì vậy, chính quyền TP chủ trương Hà Nội cần phải có một trường ĐH để đào tạo, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu riêng của Thủ đô.
Ngày 16/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn đồng ý chủ trương thành lập trường ĐH Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trực thuộc UBND TP Hà Nội. Với một trường ĐH của riêng mình, Hà Nội có thể chủ động kế hoạch đào tạo giáo viên, cán bộ có trình độ ĐH, trên ĐH, theo yêu cầu về số lượng, trình độ, chuyên ngành, tiến độ, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu; chủ động đào tạo những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc đặc trưng của văn hóa và con người Hà Nội. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ là một cơ sở ĐH chất lượng cao, xứng tầm với nền giáo dục phát triển, có thể làm đối tác tương xứng để phối hợp đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với Thủ đô và các nước trên thế giới; phù hợp với xu thế phát triển…
Đào tạo đa ngành
Tại hội thảo, đa số các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục cho rằng, phải xây dựng ĐH Thủ đô Hà Nội là ĐH đa ngành, chất lượng cao, nhưng trước hết phải xây dựng chức năng sư phạm, tiếp tục nâng cao năng lực toàn bộ đội ngũ giáo viên. Coi đây là cải cách căn bản để đổi mới toàn diện giáo dục.
Theo TS Vũ Văn Dụ - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội có chức năng đào tạo giáo viên Tiểu học, giáo viên THCS, khi được nâng cấp lên ĐH thì nên áp dụng mô hình ĐH đa ngành. "Hiện nay, giáo dục của ta có sự mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo với các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đó là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất,… kết quả là nhân lực đào tạo từ hệ thống giáo dục ĐH ở nước ta không phù hợp với nhu cầu xã hội, đặc biệt, yếu về khả năng thực hành nghề nghiệp. Để ĐH Thủ đô trở thành cơ sở đào tạo đa ngành với chất lượng cao, cần phải có mục tiêu, nội dung đào tạo, có kế hoạch đào tạo các ngành nghề" - TS Vũ Văn Dụ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, ĐH Thủ đô không chỉ thực hiện sứ mệnh phục vụ nguồn nhân lực cho Hà Nội, mà còn phục vụ nguồn nhân lực cho cả nước; chất lượng quốc gia, là mô hình cho các ĐH khác. GS Nguyễn Lân Dũng nói: "Để đào tạo ra nguồn nhân lực cao, không chỉ đào tạo người quản lý mà đào tạo ra cả người kinh doanh, người sản xuất, đó là trách nhiệm của Thủ đô".
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, thành lập trường ĐH Thủ đô xuất phát theo nhu cầu thực tiễn, để phát triển nguồn nhân lực cao cho Thủ đô. "Khác các trường ĐH đang có, ĐH Thủ đô phải xung kích, là trường chất lượng cao". Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc, cần phải có lộ trình thực hiện và học hỏi kinh nghiệm từ các trường đã đi trước để có mô hình hoạt động hợp lý. Hiện TP đã bố trí đất, dành 20ha tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh), đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình để thành lập trường như mong muốn.
Một giờ học của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Minh Trường
|