Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng hình ảnh người cán bộ gần dân

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác trong hệ thống chính trị các cấp đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm mới, kinh nghiệm hay trong việc gần dân, sát dân.

Qua đó, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, từ đó loại trừ những vi phạm phát sinh, củng cố thêm niềm tin, tăng thêm sự gắn kết như lời Bác dạy.

Giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đang diễn ra ở khắp các địa bàn dân cư, là dịp để người dân cả nước ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận, là hoạt động cộng đồng được người dân mong đợi; cũng dịp để cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Một buổi sinh hoạt chi bộ 11, phường Cống Vị, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải
Một buổi sinh hoạt chi bộ 11, phường Cống Vị, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, để vận dụng tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, cần thực hiện đúng và tốt các quy định về “Tin dân, hiểu dân, gần dân”, đồng thời nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Muốn hiểu dân thì phải gần dân, không quan liêu, ngồi bàn giấy dự thảo các chỉ thị, nghị quyết; cán bộ phải xuống cơ sở, hòa mình, lắng nghe ý kiến của dân.

Từ quan điểm đó, tại Hà Nội thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, nhiều mô hình sáng tạo để kết nối giữa Đảng, chính quyền và người dân đã được thực thi hiệu quả như các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất giữa người dân với chính quyền liên tục được tổ chức. Ở đó, từ việc GPMB, quản lý đất đai đến những việc như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải... đều được các cấp chính quyền trả lời, giải trình rõ ràng. Từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý, tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn.

Nhằm tăng tương tác giữa chính quyền với người dân, nhiều quận, huyện đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công để thực hiện: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng...

Một số đơn vị còn thông qua giải pháp “định danh, đánh giá mức độ hài lòng bằng khuôn mặt”, công nghệ AI tự động nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá mức hài lòng của người dân. Hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (chatbot) đã tạo thuận lợi cho người dân và DN tiếp cận thủ tục hành chính nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi… Thông qua những ứng dụng này, người dân, DN không chỉ phản ánh, kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính, mà còn có thể phản hồi về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình làm việc.

Tại nhiều quận, huyện, lãnh đạo cũng thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ địa bàn dân cư và kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy cơ sở. Từ đó nắm bắt được tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, đây chính là một trong những biện pháp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Tăng sự hài lòng

Để thúc đẩy sự chủ động, tích cực đổi mới trong phương thức, phong cách lãnh đạo của cấp ủy các cấp, thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu lãnh đạo các cấp ủy thường xuyên bám sát địa bàn, lắng nghe ý kiến cơ sở làm căn cứ chỉ đạo, giải quyết những việc dân cần, nhờ đó tạo lòng tin, sự ủng hộ của người dân.

Đồng thời, để tránh việc “chính quyền xa dân”, xây dựng hình ảnh người cán bộ gần dân, TP liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý xây dựng của Nhân dân về quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức...

TP cũng liên tục khảo sát đo lường sự hài lòng tại các bộ phận trực tiếp tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN... Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc.

Đặc biệt, nhiều đơn vị tại Hà Nội đã xây dựng bản cam kết duy trì thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp với công việc được giao; không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính, đặc biệt là trong công tác đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được công khai, tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành… đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa vi phạm.

Một giải pháp được chú trọng là tăng trách nhiệm người đứng đầu, chú trọng bố trí, phân công cán bộ trực tiếp tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những vấn đề dân sinh bức xúc, dư luận phản ánh đều phải có văn bản trả lời cụ thể, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức có liên quan để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng; nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở cũng giúp việc “gần dân” thêm hiệu quả.