Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Xây dựng Luật Quy hoạch không phải để kéo quyền về cho Bộ”

theo VOV
Chia sẻ Zalo

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh điều này khi giải trình về dự án Luật Quy hoạch tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/9.

Khắc phục xung đột lợi ích

Giải trình về chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm ngành – vấn đề vẫn còn ý kiến ở một số Bộ băn khoăn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, việc đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được ngoài thị trường thì chúng ta cũng không quản lý được cái gì; thậm chí đó là cái cớ để xin - cho, tạo rào cản phát triển.
 Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông
“Bộ Công Thương có quy hoạch cả thương nhân xuất khẩu gạo. Trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà người kia không được là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu chứ không phải đưa vào luật này. Thậm chí, còn quy hoạch cả cá tra, cá rô phi... như thế là sai lầm, vì chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ở đó nguồn lực không chỉ của nhà nước mà còn nằm trong túi của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài” – ông Đặng Huy Đông phân tích và lưu ý sản phẩm phát triển đến đâu là do yêu cầu thị trường, cả trong nước và quốc tế.

“Chúng ta đặt ra quy hoạch mà không kiểm soát được ngoài thị trường thì chúng ta cũng không quản lý được cái gì cả. Đó còn là cái cớ để xin - cho, tạo rào cản rất nhiều. Do đó, nhiều ý kiến trong Chính phủ đồng thuận rất cao bỏ quy hoạch ngành sản phẩm” – ông Đông cho biết.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, về “Quy hoạch ngành quốc gia”, đa số ý kiến đồng ý với chủ trương loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay với lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

“Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng ý với đa số ý kiến vì sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các ngành, lĩnh vực, sản phẩm không lập quy hoạch (không gắn với không gian) nhưng để phục vụ nhu cầu quản lý sẽ chuyển sang thành các chương trình, đề án hay một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết có sự nhất trí cao về bỏ quy hoạch sản phẩm vì nó không thích nghi cơ chế thị trường, tạo ra kẽ hở, tiêu cực, cơ chế xin – cho và và không phù hợp thực tế.

"Bây giờ thị trường cần bao nhiêu sản phẩm thì khi đó cung – cầu quyết định chứ không phải do ông kế hoạch đề ra năm nay sản xuất 10 tấn thóc hay 10 tấn tôm, không phải như vậy" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

9 năm dân không có đất vì "chênh" quy hoạch

Bảo vệ quan điểm quy định theo hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia được lập theo phương pháp tích hợp, đa ngành, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, từ trước đến nay từng bộ, ngành đều dựa trên luật chuyên ngành có quy định rất là chung là chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch về vấn đề này, vấn đề kia, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn do không làm tích hợp. 

“Giờ phương pháp tích hợp là các bộ ngành khác nhau và tất cả đối tượng chịu ảnh hưởng đều phải tham gia vào quá trình quy hoạch vì nó tác động đến tất cả đối tượng, chứ không phải của một bộ ngành duy nhất" ông Đông nhấn mạnh và tin rằng phương pháp này sẽ khắc phục được xung đột lợi ích hiện hữu không chỉ giữa Nhà nước với xã hôi, Chính phủ với doanh nghiệp, người dân mà còn khắc phục xung đột giữa các bộ, ngành với nhau, giữa Trung ương và địa phương, giữa phát triển vùng và địa phương”.

Theo đó, quy trình là các bộ ngành bằng chuyên môn của mình đứng ra bảo vệ quy hoạch từng có trước đây nhưng chịu sự cọ xát, tranh luận với đối tượng, địa phương khác chịu ảnh hưởng. 

Ông Đông nhấn mạnh, làm quy hoạch phải có tính thừa kế nhưng anh bảo vệ được mới giữ lại quy hoạch, không thì phải điều chỉnh. Trước đây, khi quy hoạch chỉ có lấy ý kiến chứ không phải ngồi vào bàn tranh luận, cọ xát với chuyên gia, ngành lĩnh vực khác, dẫn đến việc triển khai sau khi được phê duyệt lại vướng. Như dự án giao thông xây cây cầu hay con đường khi triển khai thì ngành thuỷ lợi lên tiếng đề nghị điều chỉnh vì vướng quy hoạch thuỷ lợi và ngược lại.

“Ở Hà Nội có trường hợp bà con ở một huyện ngoại thành sau 9 năm không có đất kinh doanh. Theo quy định khi chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị thì phải tạo quỹ đất cho bà con ở đó kinh doanh để đảm bảo an sinh. Tuy nhiên, quy hoạch của Sở TN-MT “chênh” với Sở Quy hoạch nên không giao được đất cho bà con” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu ví dụ.

Cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương án tích hợp là vạch nối quan trọng còn thiếu giữa chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, khi triển khai sẽ lập hội đồng thẩm định (Bộ và cơ quan tư vấn độc lập) rà soát quy hoạch hiện hữu, từ đó giữ lại cái gì còn hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển, cái gì bất cập, chồng chéo thì bỏ. 

“Chúng tôi xây dựng luật này không phải để kéo việc về cho Bộ KH-ĐT quản lý” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định.