Xây dựng nền nông nghiệp hội nhập

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Vượt thách thức giành thành tựu ấn tượng
Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách lớn. Điển hình là Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”…
 Mô hình trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ tiên tiến tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Nhờ sự quan tâm lớn đó, 5 năm qua, nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra; chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Nông dân đã phát huy được vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tham gia chuỗi giá trị. Thu nhập của người nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao. Nông thôn ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Chương trình xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Khẳng định vai trò trụ đỡ

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng trên, dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền, từng địa phương… Mục tiêu là phát triển nông nghiệp hiệu quả, ứng phó thành công trước những bất ổn của thị trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Cụ thể hóa định hướng trên, ngành NN&PTNT đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,8 - 3,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản đạt 50 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người nông dân tăng 1,6 lần so với hiện nay. Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 quốc gia phát triển nhất thế giới…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để đạt được mục tiêu, tầm nhìn trên, ngành nông nghiệp xác định 5 giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo 3 trục sản phẩm. Đồng thời khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng miền và từng địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh và phát triển cụm ngành liên kết.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, DN, người nông dân, nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Cùng với đó, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực trên cơ sở khai thác hiệu quả tối đa từ các hiệp định thương mại tự do… Trước mắt, năm 2021, toàn ngành sẽ nỗ lực chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng; hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành NN&PTNT đạt 2,71%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm, từ 2,6 - 3,0%/năm. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản và thủy sản đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 15 thế giới.