Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân: Đăng ký nhiều, làm chẳng bao nhiêu!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay đã gần 2 năm (ngày 20.4.2009) kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 về phát triển nhà ở cho SV, CN, người có thu nhập thấp (gọi chung là nhà ở xã hội).

KTĐT - Đến nay đã gần 2 năm (ngày 20.4.2009) kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 về phát triển nhà ở cho SV, CN, người có thu nhập thấp (gọi chung là nhà ở xã hội).

Cụ thể hoá nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định số 65, 66 và 67 để có thể triển khai. Với những ưu đãi tối đa, thế nhưng đến nay chương trình phát triển nhà ở xã hội mới chỉ dừng lại ở những con số hoành tráng.

Ưu đãi hết mức

Nghị quyết 18 của Chính phủ đặt ra một số mục tiêu rất nhân văn, phấn đấu đến năm 2015, 60% số sinh viên (SV), 50% số công nhân (CN) có nhà ở. Để cụ thể hoá Nghị quyết 18 cũng như tạo hành lang pháp lý cho các bên tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định. Quyết định 65 xác định nhà ở cho SV sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư. Quyết định 66 quy định về điều kiện ưu đãi cho các DN tham gia xây dựng nhà ở cho CN. Quyết định 67 thì quy định ưu đãi cho DN xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Cụ thể, DN sẽ được giảm thuế VAT từ 10 xuống còn 5%; miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất và nhiều ưu đãi khác như nguồn vốn...

Với những quy định mới về ưu đãi đầu tư cho các thành phần tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội chỉ một thời gian sau đã có những bước khởi sắc nhất định, số lượng dự án đăng ký tham gia tăng ào ào. Theo một số liệu đã được Cục Quản lý nhà và phát triển thị trường bất động sản Bộ Xây dựng công bố thì trên cả nước đã có trên 500 dự án đăng ký tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, có 263 dự án nhà ở thu nhập thấp với tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỉ đồng, tương đương số căn hộ dự kiến 205.380 căn. Tổng nguồn vốn của các dự án này lên đến trên 70.000 tỉ đồng, chủ yếu là vốn xã hội hoá, chiếm một tỉ lệ nhỏ là vốn đối ứng của các địa phương.

Cũng nằm trong chương trình phát triển nhà ở xã hội, các DN đã đăng ký triển khai 264 dự án nhà ở cho CN với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đáng buồn sau một thời gian đầu đăng ký sôi nổi, mọi việc lại có nguy cơ rơi vào cảnh đầu voi đuôi chuột. Theo một số liệu chưa đầy đủ, trong năm 2010 số dự án khởi công, có chuyển động sau khi đăng ký chỉ chiếm khoảng 10% số dự án đã đăng ký.

Khó nhất là không có đất

Ngay sau khi có Nghị quyết 18, năm 2009, Chính phủ phân bổ 3.500 tỉ đồng cho 28 tỉnh, thành từ nguồn trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng ký túc xá cho SV, riêng TPHCM là 800 tỉ đồng. Năm 2010, Chính phủ tiếp tục dành một khoản đáng kể khoảng 4.500 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ để xây dựng nhà ở cho SV. Nhờ có nguồn vốn của Chính phủ và quỹ đất dành để xây dựng ký túc xá cho SV nên trong năm 2009 đã có 88 dự án được duyệt, trong đó 48 dự án đã khởi công.

Trong việc phát triển nhà ở xã hội thì mảng nhà ở cho SV được chăm lo nhiều nhất và ngay từ đầu, Chính phủ đã xác định sẽ đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước nên đã có những chuyển động đáng kể. Tuy nhiên, ở từng địa phương do đặc thù mà cũng có những hoàn cảnh khác nhau. Riêng đối với TPHCM, theo tính toán của các chuyên gia, với số tiền 800 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ trong năm 2009 thì chỉ có thể xây dựng được 1 ký túc xá với quy mô khoảng 100 phòng. Như vậy, chẳng làm được gì đáng kể trong việc cải thiện điều kiện chỗ ở cho SV. Dù sao, vấn đề nhà ở cho SV cũng còn sáng sủa hơn 2 đối tượng còn lại là CN và người có thu nhập thấp.

Thực tế, đã có quy định các dự án phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% số quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Trước đây Bộ Xây dựng tính toán, với một căn hộ 4 người ở, giá bán khoảng 400 - 500 triệu đồng. Với hình thức thuê mua, trả trước 20%, số còn lại trả trong 20 năm, thì mỗi tháng chỉ phải trả từ 1 đến 2 triệu đồng, như vậy người có thu nhập thấp hoàn toàn có khả năng mua nhà.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội trên thực tế lại không thể trông chờ vào quỹ đất này bởi nó manh mún. Ở các địa phương đất chật, người đông, tấc đất tấc vàng như TPHCM, việc tìm ra quỹ đất để phục vụ tái định cư cho các dự án trên địa bàn là quá khó khăn. Khi không có đất, bài toán khả thi về nhà ở cho người thu nhập thấp trở nên khó khả thi.