Theo ông, nguyên nhân nào khiến địa phương tập trung nhiều nhà khoa học, trường đại học, viện nghiên cứu như Hà Nội lại chưa phát huy được thế mạnh về nguồn nhân lực?
- Đây là vấn đề đã nhiều lần được bàn thảo, ở phạm vi của lãnh đạo Hà Nội cũng như các trường đại học. Ở đây, theo tôi là vấn đề cơ chế! Ví dụ, các trường đại học muốn triển khai được các hoạt động hợp tác với địa phương, có rất nhiều cơ chế, trong đó có cơ chế phối hợp, cơ chế tài chính. Cách tổ chức các hoạt động hiện nay gần như khu biệt, cho nên, khi hai cơ quan có kinh phí cùng phối hợp thực hiện một hoạt động nào đó, thì cơ chế hiện tại là một rào cản. Theo cơ chế hiện nay, phải tách ra bên nào phê duyệt, bên nào quyết toán, điều này khó thực hiện.
Một nguyên nhân nữa, là chưa có sự gặp gỡ thực sự giữa cung và cầu, cũng có thể bên cung và bên cầu gặp nhau nhưng chưa có một động lực thôi thúc mạnh mẽ. ĐHQG Hà Nội và TP Hà Nội muốn đi tiên phong trong việc này nên đã ký kết chương trình phối hợp công tác đào tạo giai đoạn 2012 - 2015. Có thể tạm coi đây như một mẫu hình hợp tác toàn diện, cơ chế sẽ do chương trình phối hợp triển khai. Từ đó, các ban ngành, các khoa, các viện của ĐHQG Hà Nội sẽ dựa trên văn bản pháp lý đã ký kết để triển khai công việc.
Việc "đi tiên phong" trong liên kết đào tạo được triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Lễ ký kết này thực ra là chính thức hóa một kế hoạch đã được xây dựng từ năm 2010, khi ĐHQG Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao cho phải phối hợp với TP Hà Nội chuẩn bị nội dung khoa học làm một sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tức là tổ chức một hội thảo khoa học về phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở đã có những nghiên cứu, chuẩn bị và nhận được yêu cầu, mong muốn của lãnh đạo Hà Nội, ĐHQG Hà Nội đã nhanh chóng triển khai, xây dựng các công trình nghiên cứu, trong đó, một nội dung rất quan trọng là giúp Hà Nội xây dựng ngành Hà Nội học.
Đây là chương trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, đồng thời khai thác thế mạnh của mỗi bên, cùng giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên cơ sở khai thác các tiềm năng về vị thế, nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính, kinh nghiệm của hai bên, phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi bên. Chương trình hợp tác chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực: Đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, tư vấn, phản biện chính sách và một số vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với khả năng, yêu cầu của mỗi bên.
Theo nhìn nhận của ông, Hà Nội cần phải làm gì để tận dụng được nguồn lực, phát huy thế mạnh con người?
- Để phát huy nguồn nhân lực quý cần đưa ra những yêu cầu thực tế, có cơ chế hợp lý cho người thực hiện. Từ những vấn đề liên quan đến chính quyền đô thị, những vấn đề của di tích văn hóa, những vấn đề kinh tế - xã hội, muốn phát triển bền vững thì phải nghiên cứu. Hà Nội cũng có những đội ngũ nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, nhưng nghiên cứu bằng một lực lượng với chất xám có trình độ cao sẽ phải dựa vào một cơ sở nghiên cứu và đào tạo hàng đầu. Ví dụ, hợp tác giữa ĐHQG Hà Nội và UBND TP Hà Nội sẽ có hiệu quả và ý nghĩa lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực. Tới đây, nhu cầu về nhân lực của TP Hà Nội sẽ có những đề án, chương trình cụ thể, trên cơ sở đó, ngoài đào tạo theo những chương trình hiện có, ĐHQG Hà Nội sẽ xây dựng những chương trình đặc thù để phục vụ nguồn nhân lực cho Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!