Nhiều mô hình mới, cách làm hay
Thảo luận tại Hội trường, theo các đại biểu, qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều giải pháp hiệu quả đã được triển khai. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện.
Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới.
Các đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá), đề xuất cần phải quan tâm giải pháp về nguồn lực, huy động nội lực trong nhân dân. Trong giải pháp mới đề cập đến nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn vốn tín dụng hay từ các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, nhưng mà giải pháp để huy động các nguồn lực trong nhân dân thì chưa đề cập đến.
Bên cạnh đó, đối với vấn đề về cơ chế hỗ trợ của ngân sách trung ương cho địa phương, trong chương trình dự kiến bố trí nguồn ngân sách trung ương bằng khoảng 62% so với chương trình của giai đoạn 2016-2020. Đại biểu cho rằng cần xem xét thêm về nguồn vốn này, có thể phân bổ kinh phí nhiều hơn. Đại biểu đề xuất Chính phủ nên nghiên cứu để hỗ trợ cho những địa phương còn phải cân đối ngân sách từ trung ương với các địa phương.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), đề nghị Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, trong đó có các công trình sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng nông thôn mới. Đại biểu cho rằng, chúng ta cần tận dụng khai thác, phát triển kinh tế ổn định sau đại dịch, tận dụng cơ hội vàng cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đồng bộ các giải pháp
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), kiến nghị: Một là, đề nghị Chính phủ sớm ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để các địa phương căn cứ tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cần có quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình.
Trong đó cần ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các khu vực miền núi, miền núi cao, những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai.
Hai là, về nội dung ưu tiên đầu tư hạ tầng cho các xã xây dựng nông thôn mới. Ngoài danh mục các công trình hạ tầng cần ưu tiên đầu tư như trong dự thảo nghị quyết, đề nghị quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Song song với đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư cho phát triển sản xuất phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu là để thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao, bền vững, giúp cho nông dân làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp, trên quê hương của mình.
Cũng tham gia thảo luận, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang, đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông.
Đại biểu cũng đồng tình với giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, đó là huy động phân bổ vốn hợp lý và có những chính sách đặc thù để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, để nhờ đó các địa phương khó khăn có thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin.
Đồng thời, đại biểu tán thành với chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ. Đề nghị Chính phủ sớm thực hiện hiệu quả các chính sách này trong thực tiễn.