Tuy nhiên, việc lựa chọn nguồn sáng để chiếu sáng cảnh quan đô thị vẫn còn mang tính tự phát, thiếu sự hài hoà giữa các loại hình chiếu sáng. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện lấy ý kiến Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN 07-7:2014/BXD) các công trình hạ tầng kỹ thuật - Công trình chiếu sáng. Không sử dụng đèn gây lóa Dự thảo quy chuẩn nêu rõ, các công trình chiếu sáng được áp dụng quy chuẩn này là các công trình chiếu sáng đường giao thông đô thị, các trung tâm đô thị và các khu vực vui chơi công cộng, các quảng trường, công viên và vườn hoa, các công trình thể dục thể thao ngoài trời, cũng như chiếu sáng các công trình đặc biệt. Đối với việc phân cấp công trình chiếu sáng đô thị trong các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp do chủ đầu tư xác định và phải được người quyết định đầu tư phê duyệt. Ngoài ra, tuổi thọ của cấp công trình chiếu sáng giao thông đô thị, trung tâm đô thị, quảng trường và khu vui chơi công cộng không dưới 50 năm. Đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quy định cụ thể đối với công trình chiếu sáng đường phố phải bảo đảm làm lộ rõ tất cả các đặc điểm của đường và của dòng giao thông, giúp người điều khiển xe tiếp nhận đầy đủ thông tin từ các quang cảnh luôn thay đổi phía trước để có thể lái xe an toàn với tốc độ hợp lý cho phép. Phải tạo được độ chói cần thiết để mắt nhận biết được các chi tiết nhỏ, ở độ tương phản thấp với tốc độ cao, tương ứng với tình huống giao thông. Độ chói phải đồng đều trên mặt đường theo cả phương dọc và phương ngang, hạn chế sự xuất hiện các khoảng tối, nơi có thể che dấu các mối nguy hiểm. Không gây loá mắt người lái xe. Trường hợp đường phố có vỉa hè, yêu cầu độ rọi trên vỉa hè bằng 50% độ rọi trung bình tối thiểu của độ rọi mặt đường liền kề. Để tránh lóa không tiện nghi do ánh sáng phản xạ từ mặt nước, chỉ sử dụng kiểu đèn được che hoàn toàn để chiếu sáng đường phố. Tại các nút giao thông đèn chiếu sáng phải tạo điều kiện để người lái xe phát hiện được cả sơ đồ nút giao thông và hoạt động giao thông. Đối với các nút giao thông phức tạp phải bảo đảm cho người lái xe có thể nhìn thấy vị trí các mép vỉa hè và các mốc đường, các chiều của đường, sự có mặt của người đi bộ hoặc các chướng ngại, sự chuyển động của tất cả các loại xe gần nút giao thông. Vì vậy, đòi hỏi đèn chiếu sáng tại đây phải cao hơn tiêu chuẩn chiếu sáng đường 10 - 20%. Vị trí đặt cột đèn có thể nhìn thấy từ khoảng cách 200m, ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu... Đảm bảo ánh sáng cho người đi bộ Ngoài các công trình chiếu sáng dành cho các loại xe có động cơ, thì các công trình chiếu sáng dành cho xe đạp và người đi bộ cũng được quy chuẩn quy định cụ thể. Đối với đường đi bộ và xe đạp, chiếu sáng phải bảo đảm cho người đi bộ và đi xe đạp thấy rõ mặt đường. Độ rọi trên mặt ngang được quy định theo độ rọi mặt ngang trung bình là 20(En,tb, lx) và độ rọi mặt ngang tối thiểu là 10(En,min, lx) trên bề mặt của đường. Đối với chiếu sáng đường hầm cho người đi bộ và đi xe đạp phải được chiếu sáng cao hơn khu vực quanh. Độ rọi mặt ngang tối thiểu bên trong đường hầm không được nhỏ hơn 30lx; độ rọi mặt ngang tối thiểu ban ngày trong phạm vi 20 m ở hai đầu hầm không được nhỏ hơn 100lx. Các mặt đứng trong đường hầm phải được chiếu sáng và phân biệt được màu sắc. Độ rọi mặt đứng trung bình trong đường hầm phải đạt tối thiểu 15 lx. Các đường hầm có chiều dài trên 125m phải có hệ thống chiếu sáng sự cố, bảo đảm duy trì độ rọi trung bình tối thiểu 5 lx trong thời gian 1 giờ. Ông Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, hiện nay việc quản lý chiếu sáng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị tại Việt Nam nói chung chưa đồng bộ, phân cấp quản lý còn nhỏ lẻ. Việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những nét đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, làm nổi bật được "tinh thần nơi chốn", giúp người dân nhìn nhận thấy không chỉ vẻ đẹp của đô thị ánh sáng, mà còn bao hàm cả những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các công trình…