Xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đoàn kiểm tra đánh giá, chấm điểm chung khảo cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” vừa có buổi làm việc tại huyện Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây.

Địa phương quyết tâm, người dân hưởng ứng

Tại huyện Phúc Thọ, đoàn đã kiểm tra thực tế ở xã Võng Xuyên. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường được trồng cây, hoa đẹp mắt và lắp đặt các thiết bị vui chơi, luyện tập thể thao ngoài trời. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn được người dân thực hiện theo phương châm “sạch từ nhà ra ngõ”.

Đoàn kiểm tra thực tế tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.
Đoàn kiểm tra thực tế tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.

Theo Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Phúc Thọ Nguyễn Thị Phương Lan, thời gian qua, các cấp ủy Đảng từ huyện tới cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm cảnh quan đô thị và nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Đơn cử, năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phúc Thọ đã triển khai mô hình “Cánh đồng xanh 3 không”. Kết quả thu được 1 tấn vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon và trên 34 tấn cỏ rác, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường. Đoàn Thanh niên huyện đã triển khai các công trình “Con đường bích họa”, “Hàng cây thanh niên”.

Cùng với sự quyết tâm của các cấp, ngành của huyện, người dân đã tích cực hưởng ứng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Lê Nam Hưng, xã đã xã hội hóa được hơn 1,7 tỷ đồng sửa chữa và làm cổng chào mới; 27,2 triệu đồng lắp đặt 34 cột trang trí cờ, hoa, khẩu hiệu; 15 triệu đồng để trồng 80 cây xanh...

Lấy người dân làm trung tâm

Tại huyện Ba Vì, đoàn đã kiểm tra thực tế ở xã Phong Vân. Theo ghi nhận, tại các tuyến đường tự quản, đường trục chính, khu di tích lịch sử, khu đất trống, trụ sở UBND xã... đều được trồng nhiều cây xanh.

Địa phương cũng triển khai xây dựng các mô hình như “Tuyến đường phụ nữ nở hoa”, “Ngõ thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn”, “Đường cây nông dân”, “Đường hoa tự quản”…

Quang cảnh xã Phong Vân, huyện Ba Vì.
Quang cảnh xã Phong Vân, huyện Ba Vì.

Theo UBND xã Phong Vân, tổng kinh phí xã hội hóa do Nhân dân tham gia đóng góp để chỉnh trang khu dân cư trong năm 2024 là hơn 2,1 tỷ đồng. Qua đó góp phần đưa Phong Vân phấn đấu về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, thời gian đầu triển khai cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn”, huyện gặp không ít khó khăn do còn thiếu nguồn lực. Tuy nhiên, huyện và các xã, thị trấn đã nỗ lực, quán triệt thực hiện và lấy người dân làm trung tâm, lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong quá trình triển khai, địa phương chú trọng yếu tố an ninh, an toàn tại khu dân cư để nâng cao hiệu quả thực tế từ cuộc thi.

Quang cảnh xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.
Quang cảnh xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây. Theo lãnh đạo xã Thanh Mỹ, thời gian qua, Nhân dân trên địa bàn đã có ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan đường làng ngõ xóm sạch, đẹp. Đến nay, 75% các tuyến đường đã được lắp thiết bị chiếu sáng; tỷ lệ đường, ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa đạt hơn 95%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả đạt tỷ lệ 98%.

Tại buổi làm việc với các huyện, thị xã, đoàn kiểm tra đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, người dân trong việc xây dựng và giữ gìn môi trường, ngõ phố sáng - xanh - sạch - đẹp – an toàn. Đoàn kiểm tra lưu ý các địa phương bám sát tiêu chí của cuộc thi, tiếp tục đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, huy động sự tham gia của người dân trong công tác vệ sinh môi trường. Từ đó, kịp thời phát hiện các tập thể, cá nhân điển hình để tuyên dương, khen thưởng; đồng thời phê bình, xử lý các hành vi vi phạm.

 

Việc tổ chức cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, vai trò tự chủ, tự giác của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và Nhân dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường, trật tự đô thị, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.