Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Thủ đô xứng tầm khu vực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây tròn 15 năm, ngày 16/7/1999, tại La Paz, Thủ đô Bolivia, UNESCO đã tổ chức trọng thể Lễ trao "Giải thưởng UNESCO - Thành phố vì Hòa bình" năm 1999 cho 5 TP thuộc 5 châu lục trên thế giới. Thủ đô Hà Nội là TP duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vinh dự nhận phần thưởng cao quý này.

Nâng cao vị thế 

15 năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, TP Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên, giành những thành tựu to lớn toàn diện, ngày càng phát triển lớn mạnh xứng tầm với khu vực và quốc tế. Đặc biệt, sau 5 năm Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính (với diện tích gấp hơn 3 lần trước 3.328km2), đến nay, dân số đã đạt 7,3 triệu người, nằm trong số 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới, tương đương với Thủ đô Paris của Pháp, London (Anh), Tokyo (Nhật Bản)…
Trẻ em tham gia xếp hình biển đảo Việt Nam tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Phạm Hùng.
Trẻ em tham gia xếp hình biển đảo Việt Nam tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: Phạm Hùng.
Với 124 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và 252 cơ sở đào tạo nghề, Hà Nội là địa phương có tiềm năng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất nước; là trung tâm, hạt nhân phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Kinh tế Thủ đô những năm qua liên tục tăng trưởng bình quân cao hơn 1,5 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Từ chỗ chỉ có một cây cầu Long Biên, đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cầu qua sông Hồng như: Cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Đông Trù…; hình thành các con đường lớn, như: Đại lộ Thăng Long, cao tốc Thăng Long - Nội Bài; Hà Nội - Lào Cai, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, với kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới… xứng tầm của Thủ đô trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong hành trình phát triển, Thủ đô Hà Nội cũng đang xây dựng hình ảnh đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế với tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Đến nay, Hà Nội đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô, TP trên thế giới (năm 2001, con số này là 30 TP), trong đó đã ký văn bản hợp tác song phương với hơn 50 TP. Hiện, Hà Nội đã thu hút được 2.790 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 22,63 tỷ USD (xếp thứ 3/63 tỉnh, TP về thu hút FDI). Hàng năm, doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 16% vào GDP của TP, 35% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 10% thu ngân sách. Năm 2014, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút thêm 1,3 tỷ USD vốn đầu tư FDI.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là thành viên chính thức có trách nhiệm tích cực của nhiều tổ chức quốc tế lớn, như: Mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hiệp hội các TP lớn trên thế giới Metropolis; Hiệp hội các thị trưởng của các TP có sử dụng tiếng Pháp trên thế giới (AIMF); mạng lưới các các chính quyền địa phương về quản lý dân cư Citynet, Hiệp hội các TP có lịch sử lâu đời (The League of Historical Cities)… Hàng năm, Hà Nội thu hút hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; Năm 2013, Hà Nội được quốc tế bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á, đón 2,6 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 14 triệu khách trong nước.

Chuyển tải thông điệp hòa bình

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến, hiện đại và tiêu biểu của nước Việt Nam. Năm 2010, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và có thêm các công trình, di tích văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, như: Hoàng thành Thăng Long, Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Cũng tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, về con người Thăng Long - Hà Nội thanh lịch, tài hoa và thân thiện, một Hà Nội năng động đang trên đà phát triển; phấn đấu không ngừng vì hòa bình trường tồn trên trái đất, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập. 
Hà Nội luôn là điểm đến tin cậy và thân thiện đối với du khách quốc tế.     Ảnh: Quỳnh Anh
Hà Nội luôn là điểm đến tin cậy và thân thiện đối với du khách quốc tế. Ảnh: Quỳnh Anh
 
Tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình cũng đã được thể hiện rõ nhất trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam vào đầu tháng 5/2014. Trước sự gây hấn này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô vẫn luôn bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đồng thời chủ động, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân không tham gia tuần hành, biểu tình trái pháp luật, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng, gây mất trật tự trên địa bàn… bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội và môi trường hoạt động thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn. Trong các lần tiếp đón các vị đại sứ, các chính khách, Thị trưởng thủ đô, các TP trên thế giới…  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo và lãnh đạo TP đều khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp, kiên định đấu tranh với Trung Quốc trên cơ sở hoà bình, ngoại giao và luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông và được các nước hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. 

15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh ''Thành phố vì Hòa bình'' - danh hiệu cao quý đó, không ngừng được gìn giữ, phát huy và ngày càng được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ về một Thủ đô Anh hùng trong lịch sử chống ngoại xâm -  ''Thành phố vì Hòa bình'', phát triển đầy ấn tượng trong trong hội nhập quốc tế. Hà Nội ngày càng xanh - sạch - đẹp, con người văn hóa, thân thiện, mến khách, quyến rũ mỗi ai một lần đến nhớ mãi… như ngài John Nielen - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam từng nhận xét.